Từ ngày 1/1/2025, người dân trên cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiệm vụ này như thế nào? Trao đổi với Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin về các nội dung liên quan.
Ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT. |
* Thưa ông, thực trạng phát sinh rác thải sinh hoạt và giải pháp xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây như thế nào?
- Ông Phạm Quốc Đăng: Theo kết quả báo cáo của các địa phương, năm 2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khu vực đô thị và nông thôn phát sinh của khoảng 387.992 tấn, trung bình khoảng 1.062 tấn/ngày. Năm 2023 khoảng 421.575 tấn, trung bình khoảng 1.170 tấn/ngày. Trong đó CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 99%; nông thôn được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 90%.
Hiện toàn bộ CTRSH phát sinh tại 7/8 địa phương của tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) đang được thu gom tập trung về khu chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH KBEC Vina (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) để xử lý.
Riêng lượng rác tại huyện Côn Đảo được thu gom, lưu giữ tại Bãi Nhát. Tỉnh đã lựa chọn Công ty CP đầu tư Kim Trường Phát đầu tư hoàn thành 2 lò đốt rác (1 lò công suất khoảng 13 tấn/ngày; 1 lò công suất khoảng 80 tấn/ngày) và chờ hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động trong năm 2024.
Ngoài ra, tất cả các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm tại các địa phương đã được đóng cửa.
Phường Thắng Nhì bàn giao thùng phân loại cho các khu phố thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
* Từ ngày 1/1/2025, người dân trên cả nước sẽ phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị cho việc này như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 thì CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại chậm nhất là ngày 31/12/2024. Do đó, thời gian qua, Sở TN-MT đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành các quy định để các cơ quan, đơn vị và địa phương làm căn cứ chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Cụ thể, ngày 22/8/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý chất thải và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 20230; ngày 26/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 2066/QĐ-UBND; ngày 27/5/2024 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, Sở GT-VT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND quy định tuyến đường bộ, thời gian vận chuyển CTRSH, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, theo quy định Luật BVMT yêu cầu UBND tỉnh phải ban hành các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản đã được Sở TN-MT tham mưu trình UBND tỉnh ban hành đầy đủ và đã tuyên truyền kiến thức, quy định đến các cơ quan, đơn vị.
Người dân xã Long Sơn ủ phân sau khi phân loại rác tại nguồn. |
* Để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt hiệu quả, theo ông tỉnh cần có những giải pháp gì?
- Sở TN-MT đang làm việc cụ thể với các huyện, thị xã, thành phố về tình hình triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo các quy định của Luật BVMT và các quy định nêu trên của tỉnh. Trên cơ sở đó, đánh giá kết quả quả đạt được, các khó khăn, vướng mắc và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương các giải pháp thực hiện thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Sở TN-MT cũng tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT xem xét, sớm ban hành các thông tư quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; thông tư quy định về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để các địa phương có cơ sở xây dựng quy định về giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, cũng như quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Sở TN-MT tiếp tục đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân cách thức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen phân loại CTRSH tại nguồn cho người dân.
Đồng thời, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực đầu tư dự án thu gom, tái chế, xử lý CTRSH.
* Đến nay công tác đầu tư hạ tầng xử lý rác đã được triển khai đến đâu?
- Hiện nay UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý và đầu tư các dự án xử lý CTRSH như sau: Tập trung hoàn tất các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên (công suất xử lý 1.000 tấn/ngày, phát điện 20MW) và dự án Nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo (công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66 tấn/ngày).
Đồng thời, đôn đốc, yêu cầu Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy xử lý CTRSH và chế biến phân compost Tân Thành công suất 500 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Hy vọng khi việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai đồng bộ, hạ tầng thu gom và xử lý rác được đầu tư hoàn thiện thì việc quản lý và xử lý CTRSH sẽ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
* Xin cảm ơn ông!
QUANG VŨ (Thực hiện)