Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng Đông Nam bộ có xu hướng chậm lại

Thứ Hai, 02/12/2024, 15:31 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là thông tin được Bộ KH-ĐT đưa ra tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam bộ lần thứ 5, với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế 2 con số vùng Đông Nam bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp”, diễn ra vào chiều 2/12.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ, chiều 2/12.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ tham dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhận định, Đông Nam bộ là vùng trọng điểm, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của cả nước. Do đó, việc phát triển vùng phải toàn diện, bao trùm, bền vững, chất lượng.

Thủ tướng cũng cho biết, thời gian tới thách thức lớn nhưng cơ hội cũng không ít. Trong năm 2025 vừa phải tăng tốc, bứt phá, tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhiệm kỳ, cùng với đó còn nhiều công việc quan trọng, như vừa sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả, vừa tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.

Do đó, trong thực hiện công việc tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy. Các bộ, ngành, địa phương vừa tìm giải pháp tăng tốc bứt phá, rà soát các chỉ tiêu giai đoạn, vừa phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm. Đã làm là phải có kết quả cụ thể, chỉ bàn làm chứ không bàn lùi.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu nhận diện khó khăn, thách thức khi thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, trong đó có các vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, công tác phối hợp nội vùng, liên vùng, các bộ ngành, địa phương; một số giải pháp trọng tâm và nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2025-2030, và ít nhất 8% trong năm 2025.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô GRDP của vùng Đông Nam bộ ước đạt hơn 3,56 triệu tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước hơn 187 triệu đồng/ năm, cao nhất trong các vùng kinh tế.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển GRDP vùng năm 2024 ước 6,38%, thấp hơn bình quân chung và đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Hiện nay, tăng trưởng chung của vùng đang có xu hướng chậm lại. Để phát huy sứ mệnh là một vùng động lực, một cực tăng trưởng của cả nước cần sớm đánh giá nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị.

Vùng Đông Nam bộ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối các địa phương với TP. Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công nghiệp là trụ cột phát triển của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc vào DN đầu tư nước ngoài.

Hạ tầng giao thông kết nối cảng vẫn còn là điểm nghẽn, chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistic đa dạng tại vùng Đông Nam bộ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng.

Về tình hình triển khai các hoạt động của Hội đồng Vùng, Chủ tịch Hội đồng Vùng đã giao 29 nhiệm vụ đề xuất thực hiện trong năm 2025.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Hiện nay, còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, ngành, địa phương hoàn thành theo tiến độ do các Đề án đều mang tính định hướng dài hạn, cần có ý kiến tham vấn của các tổ chức, nhà khoa học, nhiều nội dung đề xuất các cơ chế chính sách chưa có trong quy định pháp luật hiện hành, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động.

Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng; nguồn vật liệu chưa đáp ứng dẫn đến công tác giải ngân còn chậm, khó hoàn thành theo kế hoạch. Nguồn lực triển khai các dự án còn khó khăn, không huy động đủ nguồn lực để thực hiện toàn bộ các công trình, dự án mà cần phân kỳ trong các kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau.

Các nội dung kết nối để đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ các DN hình thành cụm liên kết ngành, liên kết trong đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng, liên vùng… còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng tham luận về các vấn đề: tình hình phát triển công nghiệp, tạo động lực mới cho xuất nhập khẩu công nghiệp và kế hoạch hoạt động Hội đồng vùng; phương án đầu tư tổng thể dự án đầu tư dự án đường vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh; triển khai quy hoạch đô thị và nông thôn, đẩy nhanh đô thị hóa bền vững và hoàn thiện hạ tầng đô thị thúc đẩy tăng trưởng của vùng và quốc gia; thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển khu vực; triển khai các dự án động lực vùng…      

Tin, ảnh: VINH-THẮNG

 

;
.