Nghị quyết số 14/2021 của HĐND tỉnh quy định, khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Đến ngày 31/12/2024, toàn bộ các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi sẽ buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động.
Sau ngày 31/12/2024, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chăn nuôi. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi gà tại huyện Xuyên Mộc thuộc diện phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định. |
Hàng trăm cơ sở chăn nuôi đã di dời, chấm dứt hoạt động
Huyện Châu Đức có 1.005 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm trong vùng không được phép chăn nuôi, buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2024. Trong đó, 740 cơ sở chăn nuôi có tổng trọng lượng vật nuôi từ 500kg trở lên sẽ được xem xét hỗ trợ nếu di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo đúng thời gian quy định. Tính đến ngày 16/12/2024, đã có 529 cơ sở được xem xét hỗ trợ đã chấm dứt hoạt động, đạt tỷ lệ 70%.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, đối với 30% cơ sở còn lại, các địa phương đang tích cực vận động người dân sớm hoàn thiện hồ sơ để được hỗ trợ di dời, chấm dứt hoạt động. UBND huyện Châu Đức đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí đợt 1 cho 237 cơ sở chăn nuôi với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng để tháo dỡ, di dời hoặc chấm dứt hoạt động tại khu vực không được phép. UBND các xã, thị trấn đang tiếp tục khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ cho các hộ đã hoàn thành việc di dời, hoặc chấm dứt các hoạt động chăn nuôi, trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ đợt 2.
Tại huyện Đất Đỏ, tính đến ngày 12/12, toàn huyện có 581/942 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đã chấm dứt hoạt động, đạt trên 62% tổng số cơ sở. Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, UBND các xã, thị trấn đã hoàn thành chi hỗ trợ đợt 1 cho 241 cơ sở, với tổng kinh phí 748,5 triệu đồng.
“Hiện còn gần 40% số hộ chưa di dời theo lộ trình. Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp các thành viên Tổ giúp việc BCĐ thực hiện Nghị quyết 14 huyện khẩn trương hoàn thành công tác xác minh, thẩm tra hồ sơ để kịp thời trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các ngành tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2020”, ông Dũng thông tin.
Một hộ chăn nuôi bò tại huyện Xuyên Mộc thuộc diện phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định. |
Nỗ lực để hoàn thành kế hoạch
Thời gian qua, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trở thành bài toán khó của các địa phương. Với mục tiêu phát triển bền vững, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 14, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết 14, toàn tỉnh có 5.311 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi và 295 nhà yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi sẽ không được cơi nới, sử dụng loa phóng thanh. Tính đến tháng 12/2024, đã có khoảng 60% cơ sở đã di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi.
Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, mặc dù việc thực hiện di dời các hộ chăn nuôi theo Nghị quyết 14 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với sự quyết tâm, ngành sẽ tổ chức quyết liệt nội dung này. Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi về tập quán chăn nuôi tại nội thành, nội thị, khu dân cư; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ làm thủ tục theo quy định. Sau ngày 31/12/2024, tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về chăn nuôi quy định.
Bài, ảnh: SONG BÌNH