Ngày 5/12, Đoàn công tác Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT, các địa phương có biển, cảng cá và DN thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện chống IUU của tỉnh BR-VT. |
Còn nhiều vướng mắc
Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo kết quả cùng những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình quản lý đội tàu cá đang hoạt động trên biển hoặc nằm bờ do không đủ điều kiện khai thác và quá trình xử lý vi phạm.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, UBND huyện đã giao trách nhiệm quản lý tàu cá chưa đủ điều kiện khai thác đang nằm bờ cho UBND từng xã, ấp, khu phố nên việc quản lý số tàu cá này thời gian qua chuyển biến tốt. Các địa phương nắm chắc vị trí tàu neo đậu và tình trạng tàu, báo cáo đầy đủ về UBND huyện hàng tuần.
Đoàn công tác Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT kiểm tra cảng cá Lộc An và gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của ngư dân huyện Đất Đỏ. |
Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ giấy tờ, thủ tục để ngư dân đủ điều kiện xuất bến khai thác trở lại, nhất là ở nhóm tàu có các ngành nghề đặc thù như bẫy mực, lưới ghẹ, cá cơm, cá trích. Những tàu này đánh bắt ở vùng lộng nhưng lại là loại tàu cá trên 15m (theo quy định phải đánh bắt vùng khơi) nên không được cấp giấy phép. Ngoài ra, do chỉ đánh bắt vùng lộng, nên tuy tàu dài 15m nhưng rộng chỉ 2-3m, không đủ an toàn đánh bắt xa bờ. Huyện kiến nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế đặc thù cho loại tàu và loại hình đánh bắt này.
Các địa phương cũng gặp khó khăn trong việc truy tìm thông tin, cơ sở dữ liệu tàu không đủ điều kiện khai thác và xử lý vi phạm các tàu cá ở ngoài tỉnh, đang nằm bờ hoặc hoạt động ở các tỉnh khác vì vượt ngoài thẩm quyền quản lý của địa phương.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Long Điền kiến nghị tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu của tàu cá khi chủ tàu đưa đi đăng kiểm hàng năm lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để các tỉnh, thành có thể phối hợp quản lý, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tàu cá vi phạm mất kết nối trên 6 giờ nhưng địa phương, cơ quan chức năng chưa xử phạt được khi lỗi thuộc nhà mạng hoặc nhà cung cấp thiết bị.
Nhanh chóng xây dựng ứng dụng quản lý tàu cá trên điện thoại
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Duyên Hải, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng và địa phương thời gian qua trong công tác chống IUU.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh kiểm tra máy giám sát hành trình, định vị trên tàu cá chuẩn bị xuất bến ở cảng Tân Phước (huyện Long Điền). |
So với một năm trước khi Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu vào làm việc, công tác chống khai thác IUU của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biển rõ rệt trong việc quản lý đội tàu và xử lý vi phạm. “Tôi thấy rõ các địa phương và ngành nông nghiệp tỉnh đã rất tự tin, sẵn sàng đón Đoàn EC trong lần thanh tra sắp tới, cùng ngư dân cả nước gỡ thẻ vàng IUU”, ông Hải nhận xét.
Đoàn công tác cũng ghi nhận kết quả xử lý tàu cá “3 không” của tỉnh, những nỗ lực hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để đủ điều kiện xuất bến, bảo đảm sinh kế. “Gỡ thẻ vàng nhưng vẫn đảm bảo sinh kế cho ngư dân và hoạt động của DN chứ không phải thực hiện quy định máy móc, cứng nhắc, làm đình trệ xuất khẩu, DN không duy trì được thị trường”, ông Vũ Duyên Hải nhấn mạnh.
Về các kiến nghị được địa phương nêu ra tại buổi làm việc, đại diện Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT sẽ tổng hợp, báo cáo và tìm hướng xử lý phù hợp. “Các chính sách hỗ trợ tàu cá chuyển đổi nghề Cục Thủy sản đã có kế hoạch đang trình lên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của địa phương và nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trên cả nước về các tàu cá chưa đủ điều kiện khai thác để các tỉnh, thành có thể kết nối với nhau, cùng quản lý và xử lý vi phạm IUU”, ông Vũ Duyên Hải thông tin.
Cũng tại buổi làm việc, các cán bộ trong đoàn công tác đã tư vấn, hướng dẫn các cảng cá, DN quy trình, thủ tục để quản lý đội tàu cá, sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng và truy xuất nguồn gốc, xác nhận nguyên liệu khai thác cho các lô hàng xuất khẩu của DN qua thị trường châu Âu.
Đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 5.021 tàu. Trong đó, 2.516 tàu hoạt động vùng khơi (chiếm 50,11%), 612 tàu hoạt động vùng lộng (chiếm 12,19%) và 1.893 tàu hoạt động vùng ven bờ (chiếm 37,7%). |
Ngoài ra, đoàn công tác cũng nêu một số giải pháp để giúp tỉnh quản lý tàu cá: nhanh chóng xây dựng ứng dụng trên điện thoại phần mềm quản lý tàu cá của tỉnh để ngư dân, địa phương báo cáo, cập nhật vị trí, hoạt động của tàu hàng tuần; khóa bánh lái và lập nhóm Zalo tàu cá chưa đủ điều kiện điều kiện khai thác ở từng xã, phường; xử phạt vi phạm hành chính các đơn vị đăng kiểm không cập nhật thông tin tàu cá đã đăng kiểm lên hệ thống…
Bài, ảnh: NGỌC MINH