Phân loại rác tại nguồn bắt đầu từ trường học
Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là yêu cầu cấp thiết và bắt buộc phải thực hiện từ ngày 1/1/2025. Để PLRTN hiệu quả, cần sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; trong đó, trường học đóng vai trò quan trọng và tiên phong.
Học sinh Trường Tiểu học Long Sơn 2 (TP. Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
TP.Vũng Tàu tiên phong
Là địa phương đi đầu trong thực hiện PLRTN, TP.Vũng Tàu đã và đang triển khai sâu rộng đến từng đối tượng. Trong đó, trường học được chọn thí điểm để nhân rộng. Năm 2020, bắt đầu từ 2 trường học tại Long Sơn, đến nay, hầu hết các trường trên địa bàn thành phố đều đang thực hiện mô hình PLRTN. Nhiều trường thực hiện rất bài bản, hiệu quả.
Tại Trường Tiểu học Long Sơn 2 (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), vào giờ ra chơi, các học sinh là “đại sứ môi trường” đi kiểm tra những thùng rác đã phân loại của các lớp. Em Phan Lê Lan Thanh, Đại sứ môi trường Trường Tiểu học Long Sơn 2, TP.Vũng Tàu cho biết, toàn bộ lượng rác tái chế sau phân loại được cân khối lượng cụ thể, sau đó thống kê hàng tuần, hàng tháng trên bảng. Lớp nào thực hiện phân loại rác tốt nhất sẽ được nhà trường tuyên dương khích lệ.
Học sinh Trường THCS Trần Phú (TP. Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
Theo cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Sơn 2, trước khi cân rác dưới sân trường, toàn bộ rác đã được phân loại tại lớp qua 2 thùng rác đặt sẵn trong lớp học gồm rác tái chế và rác khác. “Cách làm này đã được trường thực hiện 4 năm học qua để tạo thói quen PLRTN cho tất cả học sinh. Từ đó, lan tỏa thông điệp rác không là đồ thải, rác vẫn có thể mang lại giá trị nếu chúng ta biết tái chế, tái sử dụng”.
Tương tự, tại trường Tiểu học Phước An (TP.Vũng Tàu), tất cả vỏ hộp sữa sau khi uống xong sẽ được học sinh bỏ vào thùng rác tái chế. Em Lê Nhã Phương, học sinh lớp 4.3 Trường Tiểu học Phước An nói: “Với túi ni-lông, con bỏ vào thùng rác vô cơ màu đỏ. Còn vỏ chuối, con bỏ vào rác hữu cơ màu xanh lá. Hộp sữa con bỏ vào thùng rác tái chế màu vàng”.
Đại diện Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phước An chia sẻ, 2 năm qua, việc tuyên truyền, hướng dẫn PLRTN cho học sinh được nhà trường thực hiện đều đặn hàng tuần tại các tiết chào cờ hoặc qua các video clip trong giờ sinh hoạt lớp. Hoạt động này cũng được học sinh thực hành ngay dưới sân trường. Các em từ lớp 2 đến lớp 5 chỉ cần nửa năm đã thành thạo PLRTN. Còn đối các em lớp 1, cứ giờ ra chơi, Ban giám hiệu sẽ đi một vòng để quan sát. Bạn nào PLRTN chưa đúng cách thì sẽ được hướng dẫn lại. Nhờ sự kiên trì này, đến nay, việc PLRTN đã được trường triển khai thành công. Từ nguồn rác tái chế thu gom được, nhà trường bán lấy tiền tạo quỹ trao học bổng cho học sinh khó khăn.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, thành phố ưu tiên triển khai mô hình PLRTN cho trường học trước, bởi hình thành thói quen cho học sinh là cách tác động hiệu quả, lâu dài. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, xây dựng thói quen PLRTN; thu gom và tái chế rác thải bao bì, ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới tương lai phát triển bền vững. Tính đến nay, TP.Vũng Tàu đã triển khai PLRTN tại 112 trường học trên địa bàn.
Gìn giữ môi trường cho tương lai
Từ mô hình PLRTN mà Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn phối hợp với UBND TP.Vũng Tàu triển khai thành công từ năm 2020 tại hai trường tiểu học ở Long Sơn, đến nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng triển khai PLRTN theo nhiều cách khác nhau và mang lại hiệu quả nhất định.
Từ tháng 12/2022, dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam được triển khai tại Côn Đảo, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với Dự án triển khai mô hình Trường học không rác thải nhựa.
Theo đó, tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, buổi sinh hoạt chuyên đề trong lễ chào cờ đã lồng ghép tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về rác thải nhựa và cách thức thu gom, phân loại rác. Còn tại Trường THPT Võ Thị Sáu và Trường THCS Lê Hồng Phong, cuộc thi “Hùng biện xanh” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh.
Bên cạnh đó, chương trình vận hành căn tin xanh cũng được triển khai đồng thời tại các trường học trên địa bàn huyện Côn Đảo. Kết quả ghi nhận giảm đáng kể nhóm hộp xốp nhựa với 58,33% tương ứng 0,4 kg/ngày, tiếp đến là ly nhựa 17,16% tương ứng 0,23kg/ngày, hộp sữa, ly nhựa khác giảm 15,86% tương ứng 0,14kg/ngày và ống hút, thìa, nĩa nhựa giảm 13,49% tương ứng 0,05kg/ngày. Đơn vị quản lý căn tin được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo việc vận hành căn tin xanh.
Từ tháng 5/2024, chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải tại các trường học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được triển khai rộng rãi. Chương trình giới thiệu đến học sinh mô hình tái chế sản phẩm, bao bì đã qua sử dụng như vỏ hộp sữa; hướng dẫn các em cách phân loại và thu gom vỏ hộp sữa đúng cách thông qua các hoạt động vui chơi hữu ích. Qua đó, nâng cao vai trò của nhà trường trong việc giáo dục ý thức và rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua hành động thiết thực, cụ thể và phù hợp với lứa tuổi; đồng thời lan tỏa và lồng ghép giáo dục môi trường đến thế hệ mầm non, học sinh tiểu học và cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh. Hoạt động này đã góp phần xây dựng chuỗi thu gom bền vững hướng đến mục tiêu tái chế để giảm thiểu tác động đến môi trường, hướng đến gìn giữ tài nguyên cho các thế hệ tương lai.
Bài, ảnh: QUANG VŨ