.

Gia tăng giá trị cho cà phê

Cập nhật: 16:47, 08/12/2024 (GMT+7)

Các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, giá cà phê đang ở mức cao, gấp đôi so với năm 2023, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng. 

Ông Võ Ngọc Thanh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) phấn khởi bên vườn cà phê được mùa, được giá.
Ông Võ Ngọc Thanh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) phấn khởi bên vườn cà phê được mùa, được giá.

Nông dân thu lãi cao

Sau thời gian dài xuống thấp, giá cà phê đã có bước khởi sắc từ niên vụ 2023, tăng gần gấp đôi từ 65 ngàn đồng lên 115-120 ngàn đồng/kg. Mức giá này đem lại lợi nhuận cao cho người trồng cà phê. Ghi nhận tại huyện Châu Đức, vùng trồng cà phê lớn của tỉnh, nhiều hộ nông dân đã quay trở lại với cà phê.

Gia đình ông Võ Ngọc Thanh (thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) có 400 gốc cà phê trồng xen canh, sản lượng 3,5 tấn. Đầu mùa thu hoạch, ông đã bán được giá 115-120 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái. “Với giá bán cà phê nhân như hiện nay sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng”, ông Thanh vui vẻ nói.

Còn ông Nguyễn Đức Thiện (ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cũng đang trồng cà phê trồng giống xanh lùn trên diện tích 9.000m2, trong đó có 4.000m2 đang cho thu hoạch. Ông Thiện nhẩm tính, chi phí chăm sóc cây cà phê mỗi vụ tốn khoảng 20 triệu đồng, với giá bán hiện nay khoảng 115-120 ngàn đồng/kg, dự kiến thu lãi khoảng 90 triệu đồng. “Cà phê hiện nay vừa được giá vừa dễ tiêu thụ, nông dân  không có hàng để bán, có bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu”, ông Thiện nói.

Ông Nguyễn Đức Thiện (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) thu hoạch cà phê trong vườn nhà.
Ông Nguyễn Đức Thiện (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) thu hoạch cà phê trong vườn nhà.

Tăng giá trị cho cà phê

Ông Hồ Xuân Hương (ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) có hơn 6 sào cà phê vừa tái canh, trong đó 3 sào đang cho thu hoạch. Theo ông Hương, sau nhiều năm cho thấy cà phê vẫn là cây trồng dễ tính, chi phí chăm sóc, thu hoạch cũng không tốn kém như một số loại cây trồng khác. Do đó, ông tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn cà phê đã tái canh  để cho ra những sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm”, ông Hương nói.

Cây cà phê trước đây là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, do giá bấp bênh, diện tích cây cà phê cũng bị thu hẹp dần. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 3.826ha trồng cà phê thì đến nay diện tích chỉ còn 2.552ha. Trước tình trạng diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đang ngày càng già cỗi và giảm mạnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch tái canh cây cà phê nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt kế hoạch trồng tái canh cây cà phê tại 2 huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức, năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, thực hiện Đề án của tỉnh về tái canh cây cà phê trong giai đoạn 2021-2025, tính đến nằm 2024, trên địa bàn huyện đã có khoảng 400ha cà phê được tái canh, trồng mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tái canh cây cà phê; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để tạo ra sản phẩm cà phê đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân không tái canh cây cà phê ồ ạt, mà tập trung chăm sóc diện tích cây cà phê hiện hữu để nâng chất lượng. Huyện chỉ khuyến khích trồng cà phê tại 3 xã giáp Đồng Nai là Hòa Hiệp, Bàu Lâm, Tân Lâm nhưng cũng không phát triển nhiều.

Bài, ảnh: SONG BÌNH-TẤN HOÀNG

 
.
.
.