Thời gian gần đây, một số trang trại, hợp tác xã (HTX), hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh gặp phải bệnh vi bào tử trùng khiến ao tôm mất trắng, nông dân thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Bùi Thế Vương, Quản lý HTX Chợ Bến (huyện Long Điền) kiểm tra tôm nuôi. |
Phải tiêu hủy tôm nuôi do bị nhiễm bệnh
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa), lòng như lửa đốt khi phát hiện các ao nuôi tôm của HTX bị nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP). Bệnh EHP thường ký sinh trong gan, tụy tôm, gây cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng, khiến tôm còi cọc, tăng trưởng chậm. Tôm nhiễm bệnh chỉ đạt sản lượng từ 10-40% so với không nhiễm bệnh.
“Ương giống một tháng mà tôm không lớn. Kiểm tra mới phát hiện nguồn giống nhiễm bệnh EHP. Cuối cùng phải tiêu hủy toàn bộ 100% tôm giống. Không dám ương nuôi tiếp vì sợ lây lan sang các vụ sau”, ông Chuyên chia sẻ.
Không chỉ riêng HTX Quyết Thắng, trước đó, một số ao tôm của HTX Chợ Bến (huyện Long Điền) cũng bị nhiễm bệnh EHP, khiến cả một vụ tôm mất trắng, gây lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, nhiều hộ và trang trại nuôi tôm ở huyện Đất Đỏ cũng không tránh khỏi tình trạng này. Ông Phan Đức Đạt, một hộ nuôi tôm ở ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, nuôi tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích 18ha. Trong đó, diện tích ao nuôi tôm chiếm 1,7ha với 17 ao, còn lại 16,3ha là hệ thống ao lắng, ao ương giống, ao sẵn sàng, và các ao xử lý nước. Tuy nhiên, vụ trước, toàn bộ trang trại tôm của ông dính bệnh EHP và mất trắng.
“Vì ao tôm dính bệnh EHP nên tôi không dám nuôi tiếp. Phải nghỉ hẳn hai tháng để vệ sinh, phơi ao và xử lý thật kỹ, bảo đảm không còn lưu mầm bệnh mới dám thả nuôi lại. Trong hai tháng nghỉ, chi phí nhân công và thuốc xử lý rất lớn mà không có thu nhập. Tổng cộng, tôi lỗ gần 3 tỷ đồng”, ông Đạt cho biết.
Tăng cường quản lý con giống, vệ sinh ao kỹ
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, do nuôi tôm lâu năm với nhiều vụ liên tiếp, nhiều ao nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp về môi trường, lưu trữ mầm bệnh, dễ phát sinh dịch bệnh trên tôm, nhất là trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt hiện nay.
“Hàng tháng và định kỳ, Chi cục đều kiểm tra các ao nuôi tôm, lấy mẫu xét nghiệm. Gần đây, một số ao tôm rải rác bị nhiễm bệnh EHP nhưng chưa đến mức phổ biến để công bố dịch. Bệnh này thường xuất hiện ở các ao nuôi theo mô hình trải bạt với mật độ cao. Đường lây nhiễm chính là từ con giống bố mẹ, thức ăn, môi trường ương dưỡng và nước nuôi”, ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết.
Theo Sở NN-PTNT, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện có gần 2.900ha, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 20% với sản lượng đạt hơn 9.500 tấn/năm. Hàng tháng, Sở NN-PTNT tiến hành lấy mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, đồng thời hướng dẫn bà con giải pháp phòng chống dịch bệnh và định hướng nuôi trồng hiệu quả.
|
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cảnh báo bệnh vi bào tử trùng có thể dẫn đến bệnh phân trắng trên tôm vì bào tử lây lan qua đường tiêu hóa. Do đó, Chi cục khuyến cáo người nuôi tôm nên xả bỏ 100% nếu phát hiện tôm dưới một tháng tuổi nhiễm bệnh. Đồng thời, người nuôi cần nghỉ ít nhất một vụ (khoảng hai tháng) để xử lý mầm bệnh, tránh lây lan cho các vụ nuôi sau.
Trong vụ nuôi mới, bà con cần lưu ý mua con giống từ các cơ sở uy tín, đã qua kiểm tra và xét nghiệm dịch bệnh đầy đủ. Trước khi lấy nước vào ao, cần cải tạo và vệ sinh sạch sẽ toàn bộ ao ương và ao nuôi. Nước cần được lọc và lắng kỹ trước khi cho vào ao nuôi. Trong quá trình chăm sóc, bà con phải thường xuyên vệ sinh xung quanh ao, dọn sạch bao rác, cỏ cây, tảo rong ven bờ, và bón vôi để khử khuẩn.
Bài, ảnh: NGỌC MINH