Khu thương mại tự do - Cơ hội và giải pháp hiện thực hóa

Chủ Nhật, 01/12/2024, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Với lợi thế vượt trội về cảng biển, hạ tầng giao thông và thu hút FDI, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng trước cơ hội lớn tiến tới thành lập khu thương mại tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, diễn ra chiều 1/12.

Lãnh đạo tỉnh tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.
Lãnh đạo tỉnh tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.

Tiềm năng lớn cho khu thương mại tự do

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Công Thương nhận định, Bà Rịa-Vũng Tàu sở hữu những yếu tố nội lực và ngoại lực mạnh mẽ, cùng với xu hướng phát triển toàn cầu thuận lợi, tạo điều kiện để trở thành trung tâm thương mại tự do, kết nối với cảng biển hàng đầu khu vực.

Về nội lực, tỉnh có vị trí chiến lược trên tuyến hàng hải quốc tế Á - Âu và Á - Mỹ, là cửa ngõ quan trọng của Đông Nam Á, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa. Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới và kết nối trực tiếp với châu Âu, châu Mỹ, là yếu tố quan trọng cho việc phát triển khu thương mại tự do. Hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, với các dự án như cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tạo ra mạng lưới giao thông kết nối trong nước và quốc tế.

Với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng tới mục tiêu trở thành đầu mối trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.  Trong ảnh: Thi công cầu Phước An.
Với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng tới mục tiêu trở thành đầu mối trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Trong ảnh: Thi công cầu Phước An.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu là hậu phương công nghiệp của Đông Nam Bộ, cung cấp nguồn hàng hóa phong phú cho cảng Cái Mép - Thị Vải, đóng góp lớn vào GDP và xuất khẩu quốc gia. Chính quyền địa phương và Chính phủ đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.

Về ngoại lực, xu hướng gia tăng kích thước tàu và nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng Cái Mép - Thị Vải, với vị thế cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam, sẽ là lựa chọn chính cho các hãng tàu tại khu vực phía Nam.

Tỉnh cũng còn nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, với hơn 1.000ha đất phát triển sau cảng tại khu vực Cái Mép Hạ. Dự kiến đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 KCN với tổng diện tích 16.052ha. Đến nay, tỉnh đã thu hút gần 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn lên tới 50 tỷ USD, trong đó hơn 490 dự án FDI với tổng vốn khoảng 34 tỷ USD. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sở hữu lực lượng lao động trẻ, năng suất lao động cao gấp 2,8 lần mức trung bình cả nước.

Xếp dỡ hàng container tại Cảng cạn Phú Mỹ.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng cạn Phú Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội không chỉ cho vùng Đông Nam Bộ, mà còn giúp Việt Nam gia tăng vai trò trong nền kinh tế toàn cầu.

Đòn bẩy thu hút vốn đầu tư

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng khu thương mại tự do (FTZ) là mô hình hiệu quả giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu và phát triển logistics nhờ cơ chế thông thoáng, miễn thuế, giảm thủ tục hành chính. Việc thành lập FTZ tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần vào hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu cảng Cái Mép - Thị Vải và tăng trưởng xuất khẩu.

FTZ không chỉ giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm mà còn phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, nâng cao giá trị kinh tế tỉnh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc kết hợp FTZ với cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành điểm sáng trong hội nhập, tận dụng lợi thế về địa lý và hạ tầng để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đang khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Gemalink.
Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đang khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ. Trong ảnh: Toàn cảnh cảng Gemalink.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phát triển thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối với các khu kinh tế lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Để chuẩn bị, tỉnh đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 98% trong năm 2023, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp hiện đại.

Với chiến lược phát triển bền vững, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến gần mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, và logistics hàng đầu khu vực, góp phần định hình tương lai phát triển của Đông Nam Bộ và cả nước. Nhìn trong tổng thể, FTZ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế cho Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nhận định, việc triển khai khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ đòn bẩy mạnh mẽ, đưa tỉnh trở thành điểm sáng trong hội nhập quốc tế; giúp tỉnh tận dụng tối đa lợi thế địa lý, hạ tầng hiện có, đồng thời thu hút các nguồn vốn đầu tư mới, đặc biệt là từ các tập đoàn đa quốc gia.

Bên cạnh đó, khu thương mại tự do có thể trở thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng mà còn gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bài, ảnh: NGÂN-NAM

;
.