Kết nối, lan tỏa sản phẩm OCOP địa phương
Khoảng 100 gian hàng với hàng trăm món ngon chế biến từ sản vật của địa phương đã được mang đến “Sự kiện giới thiệu Sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Sự kiện diễn ra từ ngày 27 đến 29/12/2024. Mỗi sản phẩm OCOP như “sứ giả văn hóa” của địa phương đem đến cho người dân và du khách nét truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của địa phương.
SẢN PHẨM OCOP THU HÚT KHÁCH HÀNG
Lãnh đạo tỉnh và khách mời tham quan các sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. |
Đạo một vòng quanh khu trưng bày sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong khuôn khổ “Sự kiện giới thiệu Sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, tại Nhà truyền thống Cách mạng (số 1 Bacu, TP. Vũng Tàu), bà Phạm Thị Hà (TP. Vũng Tàu) chọn mua được một số sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu như tôm khô, hạt điều, khoai mài…
Bà đã tham quan, dùng thử sản phẩm và thấy các sản phẩm rất ngon, mẫu mã đẹp. Các sản phẩm trưng bày tại sự kiện khá khoa học, có chất lượng tốt, thân thiện. Không chỉ dùng thử tại sự kiện này mà hàng ngày gia đình bà vẫn sử dụng một số sản phẩm OCOP của tỉnh. Bởi đây là những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng được kiểm định an toàn và niêm yết giá rõ ràng. “Tôi thấy nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có thể cạnh tranh với các sản phẩm của các nước. Tôi mong tỉnh mở nhiều sự kiện như vậy để bà con có điều kiện tiếp xúc. Tôi đã tìm hiểu kỹ về giá cả một số sản phẩm có thể làm quà trong dịp Tết và dự kiến sẽ đặt làm quà biểu người thân”, bà Phạm Thị Hà cho hay.
Bà Trương Thị Viết Ánh, Công ty TNHH nước mắm Ánh Phương, mang đến các sản phẩm nước mắm Ánh Phương. “Đến sự kiện này, tôi đem các sản phẩm nước mắm của quê hương Xuyên Mộc. Qua sự kiện này, tôi mong muốn được giới thiệu đặc sản của huyện nói riêng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung đến người tiêu dùng. Mong muốn thêm nhiều sự kiện như vậy để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn”, bà Viết Ánh nói.
Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức sản phẩm chocolate của Công ty OCA, huyện Châu Đức. |
Không chỉ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành cũng thu hút người dân và du khách. Có thể nhắc đến sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương như nho, táo, rong biển, muối của tỉnh Ninh Thuận, bánh tráng Tây Ninh, thổ cẩm của Lâm Đồng… Mỗi sản vật khi du khách thưởng thức hay tham quan, nhận diện qua bao bì đều gợi nhớ ngay đến vùng miền đó như tiềm thức.
Ông Lê Quốc Nam, Giám đốc Công ty Công nghệ Thực phẩm Bình Minh (tỉnh Ninh Thuận) chuyên sản xuất các sản phẩm rong biển cho biết, Ninh Thuận là vùng nắng, cát nhưng chính khí hậu đó làm ra nhiều sản phẩm nông sản mà khi nhắc tới là nhớ ngay đến vùng đất này như nho, táo, muối, rong biển… Qua sự kiện này, Ninh Thuận muốn giới thiệu đến người dân Bà Rịa - Vũng Tàu, khách du lịch các sản phẩm OCOP đặc trưng của Ninh Thuận. Doanh nghiệp mong muốn sẽ có nhiều chương trình như thế này hơn tại tỉnh và cả nước để tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP ngày một gần hơn với người tiêu dùng.
TĂNG KẾT NỐI, LIÊN KẾT
Là địa phương thu hút đông đảo du khách với hơn 13 triệu lượt mỗi năm, hàng OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn hẳn trong xuất khẩu tại chỗ so với các địa phương khác. Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với du khách, các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cũng rất chú ý xúc tiến sản phẩm tại chỗ.
Du khách thích thú thưởng thức sản phẩm hải sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Là người thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến, ông Lâm Quang Long, chủ trại nai Ba Long (huyện Châu Đức) cho biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh khi tham gia các hoạt động xúc tiến, các sự kiện như thế này đều được khách hàng ưa chuộng. Như trại nai Ba Long lần này đem đến 2 sản phẩm OCOP là nhung nai ngâm mật ong và rượu nhung nai. “Khi mới bắt đầu trưng bày sản phẩm, nhiều khách hàng đã đến tham quan, tìm hiểu và tôi cũng đã bán được 6-10 sản phẩm. Đây là cơ hội để liên kết, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp rất tốt”, ông Lâm Quang Long nói.
Các sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận HACCP, VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bao bì, mẫu mã đa dạng. Vùng nguyên liệu đầu vào tập trung tại nông thôn. Chủng loại sản phẩm OCOP cũng tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm, dược liệu, thức uống, hàng thủ công mỹ nghệ… nên thuận lợi đưa vào chuỗi cung ứng cho du lịch. Vì vậy, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình kết nối, khai thác thế mạnh từ chương trình OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tạo thêm điểm tham quan, trải nghiệm, mua sắm cho du khách.
Chẳng hạn, huyện Châu Đức tổ chức và duy trì hoạt động 3 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại xã Bình Ba, Suối Rao và TT. Ngãi Giao; tổ chức hội chợ nông sản kết nối cung cầu. Huyện Long Điền tổ chức Nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Long Điền (KP. Long Phượng, TT. Long Điền, huyện Long Điền) và một điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại Sở NN-PTNT.
Trong chiến lược đưa sản phẩm OCOP đến gần khách du lịch hơn, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP. Ngoài vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đưa sản phẩm OCOP vào du lịch, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã lên sàn.
Người dân, du khách tham quan các sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. |
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, nhằm hỗ trợ các chủ thể xây dựng và quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã sáng lập và vận hành sàn TMĐT buudien.vn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các hộ, doanh nghiệp tại địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, Bưu điện tỉnh và Sở NN-PTNT phối hợp tổ chức các buổi truyền thông, đào tạo về sàn TMĐT cho hơn 1.000 hộ sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương về những kiến thức, kỹ năng và thực hành tạo tài khoản/gian hàng, cách đăng bán, giới thiệu sản phẩm của mình lên gian hàng số. Đến nay, 100% sản phẩm được chứng nhận OCOP đã có gian hàng trên sàn thương mại điện tử; 93,5% hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
“Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục truyền thông, hướng dẫn, đào tạo... để tăng tỷ lệ các hộ sản xuất, doanh nghiệp có gian hàng và sản phẩm đủ điều kiện đưa lên sàn TMĐT của Bưu điện.
Bên cạnh đó, nhằm giúp người nông dân đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong nước, Bưu điện tỉnh sẽ tận dụng lợi thế có sẵn là hệ thống phương tiện vận chuyển đa dạng cùng sự liên kết với các kênh tiêu thụ là bưu điện các tỉnh, thành trong cả nước để xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ nông sản cho địa phương của tỉnh”, ông Hải Đăng thông tin.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU