.

Sáng tạo trong phân loại rác tại nguồn

Cập nhật: 18:03, 27/12/2024 (GMT+7)

Nhận thức rõ vai trò của việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN), nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo.

Hội LHPN phường 7, TP.Vũng Tàu phân loại rác tái chế để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN phường 7, TP.Vũng Tàu phân loại rác tái chế để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cơ sở thu gom phế liệu vào chuỗi PLRTN

Vựa ve chai Hoàng Văn Toan (thôn 1, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) rộng 400m2 chất đầy các loại ve chai được thu mua chủ yếu từ các hộ dân trong xã.  “Sau khi người dân phân loại rác, rác tái chế được tôi thu mua với mức giá từ 1.700-7.500 đồng/kg tùy từng loại. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho người dân, loại nào có thể tái chế được để lần sau họ phân loại chính xác hơn”, anh Toan, chủ vựa nói.

Không chỉ là địa phương đi đầu trong việc thực hiện PLRTN, xã Long Sơn còn là “điểm chuẩn” trong chuỗi liên kết của hoạt động PLRTN giữa Nhà nước, DN, người dân và các cơ sở thu gom phế liệu. Từ tháng 8/2023, Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCGC) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã tổ chức tập huấn, hỗ trợ năng lực nghề nghiệp cho các chủ vựa phế liệu và người thu gom rác tái chế trên địa bàn xã Long Sơn. Đến nay, hàng chục cơ sở thu mua ve chai trên địa bàn xã đã tham gia vào dự án phân loại rác, tiếp nhận và thu mua rác sau khi phân loại của người dân.

Theo đại diện LSP, các chủ cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn xã Long Sơn, đã được hướng dẫn PLRTN và các kỹ năng về an toàn lao động trong hoạt động thu gom rác, cũng như tìm hiểu kiến thức về kinh doanh có trách nhiệm với môi trường. Cơ sở thu mua phế liệu cũng được hướng dẫn thủ tục và quy trình đăng ký giấy phép kinh doanh hợp lệ, bao gồm: Yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy, đăng ký môi trường đối với cơ sở thu mua phế liệu hoạt động trên địa bàn. Sau khi tập huấn, SCGC và LSP đã trao tặng trang thiết bị bảo hộ lao động cho người thu gom rác; trao biển hiệu cho một số vựa phế liệu có giấy phép để quảng bá thương hiệu và tuyên truyền tới người dân, giúp cộng đồng dân cư xác định được những đơn vị thu mua rác tái chế có uy tín, năng lực, bảo vệ môi trường. “Đây là bước quan trọng để các cơ sở thu mua phế liệu trở thành nhà cung cấp phế liệu chính thức cho các đơn vị tái chế. Hơn nữa, các cơ sở còn có cơ hội tiếp cận với các hoạt động vay vốn từ chính quyền địa phương trong tương lai”, đại diện LSP cho biết.

Ông Ngô Văn Quả, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, tập huấn cho các cơ sở thu gom phế liệu là một trong những hoạt động nằm trong dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” đã được triển khai thực hiện tại xã Long Sơn từ năm 2020. Dự án đã nhận được sự tham gia tích cực của HS, người dân địa phương, các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn… và các cơ sở thu gom phế liệu. Từ 2 trường học và 1 thôn thí điểm, đến nay toàn xã đã có 4.200 hộ đăng ký thực hiện PLRTN đạt 100%. Và 20 cơ sở thu gom phế liệu đã cùng vào chuỗi PLRTN để hoạt động này tại xã Long Sơn trở nên đồng bộ và hiệu quả hơn.

Giảm rác, thêm tiền

Sau một buổi sáng thực hiện thu gom rác tái chế, từ các hộ gia đình trên địa bàn KP.6 tại các tuyến đường Võ Thị Sáu, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và khu dân cư Á Châu, Đoàn Thanh niên phường 2 (TP.Vũng Tàu) đã gom được 14,5kg giấy và bìa cát tông; 47kg chai nhựa và 11.107 lon bia. Tổng số tiền bán được từ rác tái chế sau thu gom trong một buổi sáng hơn 1 triệu đồng. Số tiền này được nộp vào quỹ nhằm giúp đỡ các thanh, thiếu nhi khó khăn trên địa bàn KP.6.

Đó là kết quả của một buổi trong hoạt động “Thu gom rác tái chế gây quỹ giúp đỡ thanh, thiếu nhi khó khăn” được Đoàn Thanh niên phường 2 tổ chức mỗi tháng 1 lần vào chủ nhật tuần cuối cùng của tháng. Hoạt động này không chỉ khuyến khích người dân thực hiện PLRTN, bảo vệ môi trường mà còn có nguồn kinh phí để hỗ trợ các hoạt động vì cộng đồng.

Nổi bật trong các mô hình PLRTN phải kể đến mô hình “Phân loại rác thải tái chế tại hộ gia đình” của Hội Phụ nữ phường 7, TP.Vũng Tàu. Theo Hội LHPN phường 7, PLRTN không chỉ giúp người dân thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, mà chính từ việc phân loại rác, các hộ gia đình đã sử dụng số tiền bán các loại chai để gây quỹ giúp đỡ những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; mua thẻ bảo hiểm y tế; tặng học bổng cho con, em hội viên nghèo vượt khó học giỏi... Đặc biệt, từ nguồn quỹ từ bán ve chai tiết kiệm, 5 năm qua đã có hơn 300 thẻ BHYT được trao tặng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.

Trong khi đó, từ năm 2022 đến nay, UBMTTQ Việt Nam xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) cũng tổ chức chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy rau xanh” cho người dân trên địa bàn xã. Theo đó, người dân mang rác có thể tái chế như: vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt, thùng giấy carton, các loại chai nhựa… đến điểm tập kết của xã để đổi lấy rau xanh do nông dân xã Nghĩa Thành cung cấp. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghĩa Thành, “Đổi rác tái chế lấy rau xanh” là hoạt động lợi cả nhiều đường vừa giúp người dân ý thức trong việc PLRTN, vừa tiêu thụ được rau xanh cho nông dân trong xã, vừa góp phần bảo vệ môi trường…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.