NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Dự án chậm triển khai kéo theo nhiều hệ lụy: người dân không chủ động được kế hoạch cuộc sống; tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp, tài nguyên đất đai bị lãng phí.
Lãnh đạo TP. Vũng Tàu kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trong khu Trại Nhái, phường 12. |
Những dự án nằm im gần 30 năm
Tại TP.Vũng Tàu, 2 dự án có vai trò quan trọng về phát triển đô thị: dự án Công viên hồ Bàu Sen và dự án Khu công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng (nay là dự án Công viên văn hóa - đô thị mới Bàu Trũng). Nhưng hàng chục năm qua, những dự án này đều không thể thành hình, làm mất giá trị của vùng đất được quy hoạch.
Dự án Công viên hồ Bàu Sen được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định 1932/QĐ-UB từ ngày 10/12/1994. Sau gần 30 năm, dự án vẫn chưa hình thành. Tháng 5/2022, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tái khởi động xây dựng Công viên hồ Bàu Sen với tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng, diện tích 50ha (trong đó 18ha diện tích mặt hồ, 32ha là công viên, đường ven hồ…).
Hiện nay, trong vùng đất quy hoạch dự án còn gần 200 hộ dân thuộc diện bồi thường, giải tỏa, di dời với số tiền lên tới 870 tỷ đồng, chiếm khoảng 67% tổng mức đầu tư dự án. “Dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Tuy nhiên, trước sự bức thiết về cải tạo môi trường hồ Bàu Sen, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xin thông qua HĐND tỉnh để triển khai trong giai đoạn 2024-2025 và hoàn thành trong năm 2026”, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu thông tin.
Dự án Khu công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Dự án được phê duyệt từ năm 1994, kết hợp hồ cảnh và hồ điều hòa thoát nước cho TP.Vũng Tàu, tổng diện tích 130ha.
Tháng 12/2022, UBND tỉnh có quyết định 3833/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 công viên văn hóa - đô thị mới Bàu Trũng. Theo điều chỉnh, khu này sẽ trở thành khu công viên - đô thị mới rộng 173ha, quy mô dân số khoảng 40.000 người.
Bế tắc nhất hiện nay của dự án Công viên văn hóa - đô thị Bàu Trũng là tình trạng bao chiếm, sử dụng đất trái phép hàng chục năm qua. Người dân xây dựng nhà cửa kiên cố, sang nhượng trái phép... rất khó tìm phương án khả thi di dời cùng lúc hàng trăm hộ dân. Thêm nữa, tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án dự kiến lên tới gần 2.170 tỷ đồng.
Ngoài 2 dự án nói trên, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án kéo dài từ 10-30 năm như: dự án khu C Trung tâm đô thị Chí Linh, dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel (TP.Vũng Tàu); dự án khu xử lý chất thải Green HC (Huyện Đất Đỏ)…
Đất bỏ không là nguy cơ bị lấn chiếm
Khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu) có đến 297ha đất thuộc quy hoạch dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD và đến năm 2009, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay gần 20 năm dự án vẫn chưa được triển khai.
Người dân lấn chiếm đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi trong vùng quy hoạch dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantic Hotel. |
Lợi dụng quy hoạch “Dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel” chưa triển khai, nhiều người dân đã lấn chiếm đào ao nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình trái phép trên đất.
Theo UBND phường 12, khu vực Trại Nhái có một phần diện tích thuộc dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel, phần còn lại là đất chưa sử dụng, bãi biển, đất có mặt nước ven biển. Thực tế kiểm tra, khảo sát cho thấy, khu vực này có 36 công trình xây dựng trái phép. Cuối tháng 9 vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản thì các công trình này mới được tháo dỡ.
Hồi đầu tháng 11/2024, lãnh đạo UBND TP. Vũng Tàu cũng đã kiểm tra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công khu vực Trại Nhái. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều vi phạm và đã tiến hành xử lý.
"Cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn các đối tượng tái lấn chiếm đất công; đất trong vùng quy hoạch dự án; không được làm biến dạng địa hình; ngăn chặn kịp thời hành vi xây dựng trái phép…”, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu Nguyễn Trọng Thụy nhấn mạnh sau khi đi kiểm tra.
Khó khăn trong quản lý trật tự đô thị
Hiện nay, khu vực Bàu Trũng (TP. Vũng Tàu) đang trở thành gánh nặng về quản lý trật tự đô thị. Chỉ tính từ giữa năm 2009 đến nay, tại khu quy hoạch Bàu Trũng, phường Nguyễn An Ninh đã có hơn 500 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Ông Trương Thế Hải, Chủ tịch UBND phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu cho biết, những vi phạm này khiến chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Bên cạnh đó, người dân sinh sống trong khu vực Bàu Trũng không được hưởng những phúc lợi đầy đủ về cấp điện, cấp nước sinh hoạt.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
(Còn nữa)