Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm đầu chương trình Net Zero vùng Đông Nam Bộ
Bộ KH-CN chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là địa điểm khởi động Chương trình KH-CN Net Zero tại khu vực Đông Nam Bộ, hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt (giữa), Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo. |
Giải pháp đột phá trong công nghệ
Tại hội thảo triển khai chương trình KH-CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng Đông Nam Bộ tổ chức ở TP.Vũng Tàu cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, chương trình là nền tảng để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh và tuần hoàn. Từ đó, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống, thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng xanh cũng như phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn chương trình KH-CN Net Zero sẽ được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng DN, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tại vùng Đông Nam Bộ, khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho rằng, khu vực Đông Nam Bộ có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại. Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, khu vực này có thể áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải hiện đại và đô thị thông minh…
Heineken Việt Nam đạt mục tiêu năm 2030 đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất. Trong ảnh: Nhà máy Heineken Vũng Tàu ở KCN Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ). |
“Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho các dự án Net Zero thường lớn nên DN cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và đối tác quốc tế. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho DN đổi mới công nghệ xanh, xây dựng lộ trình pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các giải pháp phát thải thấp. Hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính”, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ kiến nghị.
Xu hướng phát triển xanh
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã hiến kế nhiều giải pháp trong chương trình Net Zero cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ, như: triển khai hệ thống điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ năng lượng cho khu dân cư, khu công nghiệp và DN, đẩy mạnh điện khí, sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, khuyến khích sử dụng phương tiện chạy điện thông qua chính sách ưu đãi thuế và hạ tầng trạm sạc... Đồng thời, phát triển công nghệ điện gió trên đất liền và ngoài khơi, đặc biệt tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; nghiên cứu công nghệ sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm tại các tỉnh, như: Đồng Nai, Bình Dương…
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và cực đoan, phát triển xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC. |
“Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và DN chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam”, ông Thọ nói.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên - xã hội và hạ tầng sẵn có, Bà Rịa-Vũng Tàu được nhận định là khu vực có tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển trung tâm cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi, điện gió ngoài khơi. Tiềm năng này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ của vùng Đông Nam Bộ mà còn là một mắt xích quan trọng thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Ông Thọ cho biết, tỉnh đã triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng cơ chế tín chỉ chung.
Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ. |
Tại hội thảo, ông Kazama Toshio, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ chia sẻ, khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 do DN làm chủ đầu tư được chọn là mô hình thí điểm thực hiện dự án xây dựng “Khu công nghiệp xanh kiểu mẫu, khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh BR-VT”. Dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với nguồn vốn 3,7 triệu USD, thực hiện trong 48 tháng từ năm 2023-2027.
“Thông qua các hoạt động của dự án, lộ trình trung hòa carbon trong khu công nghiệp sẽ được phát triển song song với chương trình hệ thống quản lý năng lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng”, ông Kazama Toshio thông tin.
Bài, ảnh: NGỌC MINH