Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Logistics với chủ đề “Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. |
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan với những thành tựu mà lĩnh vực logistics đã đạt được trong thời gian qua, mà nhiều số liệu, chỉ số đã chỉ rõ.
Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn quan trọng trong phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, nhận thức đã có nhưng chưa tới, chi phí logistics còn cao khiến sức cạnh tranh hàng hóa thấp. Quy mô ngành logistics so với quy mô nền kinh tế quốc gia và quy mô của ngành logistics Việt Nam với quy mô thế giới còn thấp.
Hiện nay, nhân lực quản lý Nhà nước về logistics còn thiếu về số lượng, yếu chất lượng. Doanh nghiệp logistics phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế phát triển.
Mối liên kết giữa các phương thức vận tải và kho bãi còn thiếu, đặc biệt kho bãi nội địa, cảng cạn. Hạ tầng logistics đang được nỗ lực đầu tư nhưng vẫn còn lạc hậu, vì thế chi phí logistics còn cao.
Thủ tướng nhận định, sắp tới, quy mô thương mại quốc tế càng ngày càng phát triển. Do đó, Việt Nam phải sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển. Trong đó, các xu hướng phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển logistics để thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
“Một đất nước phát triển không thể không phát triển logistics, một đất nước phát triển không thể phát triển một mình, mà phải lựa chọn con đường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi liên kết để phát triển”, Thủ tướng nói.
Việc phát triển logistics phải đặt trong tổng thể lớn của thế giới để làm. Trong đó, nguồn lực bắt đầu từ tư duy. Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, doanh nghiệp. Đột phá bắt đầu từ thể chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. |
Từ đó, Thủ tướng đề ra 3 mục tiêu cụ thể cho ngành logistics để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển thịnh vượng, giàu mạnh.
Cụ thể, giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%; nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu 20%; quy mô của ngành logistics Việt Nam trong thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%. Tốc độ phát triển ngành logistics từ 14-15% tăng lên 20%.
Để đạt được các mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 7 giải pháp.
Trong đó, cần nâng cao nhận thức, vai trò của logistics trong phát triển kinh tế đất nước, xác định vai trò vị trí của Việt Nam là trung tâm của khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội; phải đột phá về thể chế, bảo đảm thông thoáng để giảm chi phí, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng hạ tầng logistics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh; phát triển quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ngoại giao logistics nhưng cũng chú trọng hiện đại hóa nội địa; xây dựng, phát triển khu thương mại tự do, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông, kết nối với các khu thương mại tự do của thế giới và quốc tế.
“Trong sự phát triển này, Bà Rịa-Vũng Tàu phải đi đầu, chủ động kết nối bởi địa phương có những lợi thế không ở đâu bằng, vừa có đường hàng không lẫn đường biển thuận lợi.
Cùng với đó, tỉnh phải tập trung xây dựng trung tâm công nghiệp quốc gia, quốc tế về phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
NHÓM PV TS