Từ năm 2023, nhờ chuyển sang trồng giống khoai mì mới, diện tích khoai mì nhiễm khảm lá đã giảm mạnh, năng suất cao hơn, mang lại lợi nhuận cho người trồng.
Nông dân xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc chăm sóc khoai mì. |
Ít sâu bệnh, lợi nhuận cao hơn
Cách đây 2 năm, hàng ngàn hecta trồng khoai mì của nông dân trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, ngụ ấp Tân Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, có 15 năm kinh nghiệm trồng khoai mì và hiện đang canh tác 60ha cho biết, từ năm 2022 trở về trước, ông trồng các giống HL-S11, KM140 và KM419. Những giống khoai mì này đều bị nhiễm bệnh khảm lá với tỷ lệ trên 70%, dẫn đến năng suất thấp. Trung bình mỗi hecta, ông phải chi 10-15 triệu đồng mua thuốc phòng, trừ bệnh nhưng không hiệu quả.
Trước tình hình này, trong 2 năm qua, ông đã chuyển sang trồng giống khoai mì HN1, Rayong 72 và KM94. Đây đều là các giống mới, có khả năng kháng bệnh tốt nên đã hạn chế được bệnh khảm lá, với tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ còn 1-10%. Cây phát triển xanh tốt, củ nhiều, năng suất cao.
Ông Khánh cho biết, so với giống cũ, giống khoai mì mới đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ hơn và công chăm sóc nhiều hơn. Với 60ha khoai mì giống mới, dự kiến đầu tháng 1/2025 sẽ thu hoạch được khoảng 40 tấn củ/ha, cao hơn 10 tấn so với trước. Nếu trừ chi phí đầu tư 40-45 triệu đồng/ha, gia đình ông dự kiến thu lãi trên 30 triệu đồng/ha.
“Từ khi chuyển sang trồng giống khoai mì mới, tỷ lệ bệnh khảm lá giảm đến 90%, năng suất cũng tăng cao. Người trồng đã có lợi nhuận từ trồng khoai mì sau nhiều năm đối mặt với tình trạng bệnh khảm lá và liên tục thua lỗ”, ông Khánh chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, ở ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, cũng từng phải ngừng trồng khoai mì do cây bị nhiễm bệnh khảm lá nặng. Trước đây, ông trồng giống HL-S11, nhưng giống này dễ nhiễm bệnh khảm lá; chi phí phun thuốc phòng trừ bệnh rất cao nhưng không hiệu quả.
Sau một thời gian nghỉ trồng, năm 2022, ông quay lại trồng khoai mì với giống KM94 và KM414. Đây là giống được cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo có khả năng hạn chế bệnh khảm lá nên ông đã mạnh dạn trồng.
Hiện ông Huỳnh đang canh tác 6ha khoai mì, với chi phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng/ha. Dự kiến vụ này, gia đình ông thu về khoảng 150 tấn từ 6ha, sau khi trừ chi phí, dự kiến lãi khoảng 200-250 triệu đồng.
Hỗ trợ nông dân trồng giống mới
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2018, bệnh khảm lá khoai mì lần đầu tiên xuất hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu trên các giống HL-S11, KM140, KM419… Đây là những giống phổ biến, được nông dân sử dụng từ nhiều năm và thường gặp rủi ro sâu bệnh.
Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh ghi nhận từ 2.000-3.000ha khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm gần 40% tổng diện tích trồng khoai mì toàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân.
Nhằm giúp bà con chuyển sang trồng các loại khoai mì kháng bệnh, cuối năm 2022, ngành nông nghiệp đã tổ chức hội thảo đầu bờ về mô hình chuyển giao giống khoai mì HN3 và HN1 kháng bệnh khảm lá tại huyện Xuyên Mộc. Sau đó, nông dân mạnh dạn sử dụng các giống khoai mì mới cho năng suất cao, ổn định và kháng sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá, giúp thu nhập của nông dân ổn định ở mức 40-45 triệu đồng/ha.
Ông Trần Hữu Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 70% hộ dân trồng các giống khoai mì mới. Giống khoai mì mới này kháng bệnh tốt, năng suất cao hơn, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.300ha khoai mì, trong đó hơn 780ha là các giống mới kháng khảm lá. Từ năm 2023 đến nay, nhờ chuyển sang trồng các giống mới, diện tích khoai mì nhiễm khảm lá trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, năng suất tăng cao, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Hiện diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá tại tỉnh chỉ còn khoảng 330ha, chiếm khoảng 15% diện tích nhiễm bệnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Với kết quả từ mô hình trồng thử nghiệm giống khoai mì HN3, Chi cục sẽ nhân rộng cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, hai địa phương có diện tích trồng khoai mì lớn nhất tỉnh. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ bảo đảm đủ giống để phục vụ sản xuất cho khoảng 8.000ha trên toàn tỉnh”.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - HỮU LIÊN