Sản xuất hồ tiêu hữu cơ hướng đến xuất khẩu

Thứ Tư, 20/11/2024, 16:57 [GMT+7]
In bài này
.

Để phát triển vùng nguyên liệu sạch, an toàn, nhiều hộ nông dân, HTX trên địa bàn huyện Châu Đức đã liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Ngô Xuân Sơn (trái), Giám đốc HTX Hữu cơ Giàu Toàn Diện cho biết, trồng tiêu hữu cơ theo chuỗi giảm được sâu bệnh, nông dân yên tâm đầu ra vì được HTX bao tiêu với giá cao.
Ông Ngô Xuân Sơn (trái), Giám đốc HTX Hữu cơ Giàu Toàn Diện cho biết, trồng tiêu hữu cơ theo chuỗi giảm được sâu bệnh, nông dân yên tâm đầu ra vì được HTX bao tiêu với giá cao.

Lựa chọn hướng sản xuất sạch

Ông Trần Xuân Thọ, hội viên nông dân thôn Sơn Lập (xã Sơn Bình) đã gắn bó với cây hồ tiêu cả chục năm. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, 8,5 sào tiêu trồng trên trụ cây keo, cây bông gòn đã mang lại nguồn thu ổn định hàng năm cho gia đình.

Vụ tiêu năm 2024, ông Thọ thu được gần 4 tấn hạt tiêu khô. “3 năm qua, tôi chuyển sang chăm sóc theo hướng hữu cơ nên giảm chi phí đầu tư. Dù năng suất không cao, nhưng bù lại cây tiêu phát triển tốt, bán được giá hơn. Trước đây, nhiều hộ trồng sử dụng hóa chất quá mức trong canh tác truyền thống nên dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường, đất đai mau cằn cỗi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Thọ nói.

Ông Bùi Thanh Hùng, ở thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành) cũng thấy rõ giá trị cũng như hiệu quả từ trồng hồ tiêu hữu cơ. Mùa vụ năm 2024, dù bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng vườn tiêu 6 sào phát triển xanh tốt và thu được 2,5 tấn hạt khô. Ông Hùng cho biết, dù năng suất không bằng trồng theo cách truyền thống nhưng không bị thất mùa, cây không bị bệnh, không bị suy sau khi thu hoạch.

“Tôi thấy làm tiêu hữu cơ có nhiều lợi ích. Mình làm hữu cơ thì không dùng thuốc độc hại đến sức khỏe con người. Về cây trồng, mình không sử dụng chất độc hại nên đất giữ được màu mỡ và tươi tốt cho cây phát triển”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Theo ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức, việc chuyển đổi lối canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đã phần nào lấy lại vị thế của cây hồ tiêu. Qua kiểm tra thực tế của Hội Nông dân huyện, hiện nay phần lớn những hộ canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đều có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài và có thể sống khỏe từ loại cây trồng này.

Liên kết phát triển bền vững

Thời gian qua, thông qua việc hình thành mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất hồ tiêu bền vững, nhiều hộ tham gia đã có cơ hội được trao đổi, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, khi tham gia các mô hình, nhà nông sẽ đảm bảo cho nguồn ra bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định.

Ông Ngô Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hữu cơ Giàu Toàn Diện chia sẻ, đa số thành viên trong HTX là những nông dân gắn bó với cây hồ tiêu từ nhiều năm qua. Nhờ Hội Nông dân huyện tuyên truyền, vận động, 7 hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện và tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đã liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến sản xuất bền vững.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã khoanh vùng gần 50ha liền kề của các hộ nông dân trên địa bàn xã Xuân Sơn, Sơn Bình và Suối Rao để tạo thành một vùng nguyên liệu. Những hộ tham gia phải tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường HTX.

Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTTN huyện Châu Đức, toàn huyện có 5.077ha hồ tiêu; diện tích thu hoạch 4.928ha, sản lượng đạt 9.856 tấn hạt tiêu khô/vụ.
Huyện Châu Đức xác định mục tiêu đến năm 2025 hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Sơn, trước khi thành lập HTX, ông cùng một số thành viên đã có hơn 5 năm sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. “Nhiều năm nay, tôi không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn tiêu mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học, giúp phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ. Cũng từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nguồn nước giếng không còn bị ô nhiễm như trước đây. Tỷ lệ cây bị chết trong vườn giảm chỉ còn từ 3 - 5%; chi phí mua phân bón cũng giảm so với trước…”, ông Sơn cho biết thêm.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2027, HTX có vùng nguyên liệu 100ha hồ tiêu; giai đoạn 2028 - 2030, HTX sẽ sản xuất khoảng 500ha hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện tại HTX đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm tiêu hữu cơ với Công ty Organics More. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM CORP), Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam đang liên kết thu mua hạt tiêu khô của nông dân với số lượng lớn.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - NGUYỄN THẮNG

;
.