Sản phẩm OCOP Xuyên Mộc khẳng định thương hiệu

Thứ Năm, 14/11/2024, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ, đến nay sản phẩm OCOP huyện Xuyên Mộc đã khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Sản xuất bánh đa mè tại hộ bà Trịnh Thị Bích Thuận. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.
Sản xuất bánh đa mè tại hộ bà Trịnh Thị Bích Thuận. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.

Nhiều sản phẩm chất lượng

Bà Trịnh Thị Bích Thuận, chủ hộ kinh doanh bánh đa mè Hưng Thịnh, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho biết, nhờ đầu tư máy móc, đến nay quy trình sản xuất bánh hoàn toàn khép kín từ khâu xay bột, tráng bánh đến thành phẩm, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cuối năm 2023, sản phẩm bánh đa mè Hưng Thịnh của gia đình bà được công nhận OCOP 3 sao.

“Sản phẩm bánh đa mè được công nhận OCOP 3 sao giúp cơ sở nâng cao uy tín và chất lượng hơn, thêm nhiều đơn hàng mới, sản lượng bánh tiêu thụ cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 5.000 bánh, với nhiều chủng loại như bánh đa hành tiêu, bánh đa hành ớt, bánh đa dừa… cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh”, bà Bích Thuận nói.

Trong khi đó, để có sản phẩm nha đam sạch, an toàn, ông Trần Văn Chí, ở ấp 3, xã Hòa Hưng đã cải tạo đất, sử dụng phân chuồng, hữu cơ để bón cho cây thay vì sử dụng phân hóa học, đồng thời lắp hệ thống tưới tự động… Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc hiệu quả nên chất lượng và năng suất vườn nha đam luôn ổn định. Cuối năm 2023, sản phẩm nha đam được công nhận OCOP 3 sao.

“Trung bình mỗi lứa khoảng 1-1,5 tháng, vườn nha đam cho thu hoạch từ 40-50 tấn. Với giá bán ổn định 3.000 - 3.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gia đình tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng. Sản phẩm nha đam đã được công nhận OCOP 3 sao nên đầu ra và giá cả cũng ổn định hơn. Hiện sản phẩm được các nhà máy ở Đồng Nai và Long An thu mua toàn bộ sau khi thu hoạch”, ông Chí nói.

Công nhân đóng gói sản phẩm bún tươi hoài sơn - sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao - tại xưởng của Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây.
Công nhân đóng gói sản phẩm bún tươi hoài sơn - sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao - tại xưởng của Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây.

Hỗ trợ kết nối thị trường

Được công nhận OCOP 3-4 sao, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Xuyên Mộc cũng từng bước “gắn sao” trong lòng người tiêu dùng, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho biết, trong xu thế hiện nay, khách hàng quan tâm nhiều hơn về sản phẩm sạch, chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe. Chẳng hạn như sản phẩm OCOP bánh đa mè của xã ngoài bán trực tiếp còn được bán qua mạng nên đầu ra ổn định hơn. “Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục hỗ trợ để sản phẩm đã được công nhận OCOP mở rộng kết nối tiêu thụ. Bên cạnh đó, hội tiếp tục vận động, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm nông nghiệp tốt tham gia OCOP”, bà Nga thông tin.

Tính đến hết tháng 10/2024, huyện Xuyên Mộc đã có 26 sản phẩm của 15 chủ thể được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao. Thời gian qua, huyện Xuyên Mộc đã phối hợp với Sở NN-PTNT liên kết với các đơn vị để tư vấn, tập huấn cho các cơ sở có sản phẩm OCOP các kiến thức liên quan đến đào tạo, quảng cáo sản phẩm, quản trị marketing… Qua đó giúp các chủ thể có thêm kỹ năng bán hàng, thiết kế bao bì theo đúng tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là các tiêu chuẩn về ISO.

Ông Trần Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và hình thành các tuyến du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP, trong đó huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời huyện tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Qua đó nhằm giới thiệu các loại nông sản đặc trưng của địa phương đến khách du lịch”.

Bài, ảnh: NGUYỄN NGA - Á PHƯƠNG

 
;
Yến sào LifeNest
.