Trên các tuyến đường lớn hay trong những con hẻm nhỏ, từ các khu vực nhộn nhịp du khách đến những con phố chỉ có dân địa phương, các quán cà phê vỉa hè ngày càng nhiều. Thách thức đặt ra là làm sao để dung hòa giữa nhu cầu thực tế của người dân với yêu cầu quản lý đô thị, giữa tính tự phát với quy hoạch bài bản.
Quán cà phê vỉa hè trên đường Trưng Trắc (TP.Vũng Tàu). |
Cà phê từ hẻm nhỏ đến khu phố sầm uất
Những năm trở lại đây, từ những con đường nhỏ hẹp như Lê Lai, Ngô Đức Kế, Hoàng Văn Thụ… đến những con đường rộng rãi, sầm uất như Trần Hưng Đạo, Thùy Vân, Hạ Long, Bacu… đâu đâu cũng thấy bóng dáng những chiếc bàn đơn giản, những chiếc ghế nhỏ xếp gọn một góc và không thể thiếu những phin cà phê đen đang tí tách nhỏ giọt.
Vừa xếp bàn ghế ra vỉa hè, chị Trần Thị Mỹ Dung, chủ quán cà phê trên đường Hạ Long nói: “Dù có bàn bên trong nhưng khách vẫn thích ngồi vỉa hè, để được ngắm biển, được hòa vào thiên nhiên và đặc biệt là thích thú với âm thanh phố thị”. Theo chị Dung, không chỉ khách trong nước, du khách nước ngoài cũng rất ấn tượng với những chiếc bàn cả phê nhỏ xinh đặt ở vỉa hè.
Đối với khách, cà phê vỉa hè, không chỉ để nhâm nhi, thưởng thức cà phê với vị đắng, ngọt, bùi, thơm đan xen mà còn để ngắm nhìn dòng người qua lại trên phố. Đặc biệt, những ngày thời tiết mát mẻ hay giao mùa, ngồi cà phê vỉa hè giúp cho tâm hồn thư thái, vừa cảm nhận nhịp đập của cuộc sống, vừa ngằm nhìn dòng người tất bật mưu sinh trên phố.
Có những người đến cà phê vỉa hè để được lắng nghe, được chia sẻ những câu chuyện với bạn bè, như một thói quen mà đã quen rồi thì khó bỏ, hoặc khó để tìm lại được ở một không gian khác. Cũng có người thích ngồi một mình lặng lẽ, chậm rãi nhâm nhi cà phê và quan sát xung quanh, tìm chút bình yên ngắn ngủi để rồi sau đó lại hòa vào dòng người trên phố, bắt đầu một ngày quay cuồng trong công việc, cuộc mưu sinh.
Không gian là một phần, cái quan trọng không kém là giá cà phê vỉa hè rẻ hơn nhiều so với những quán cà phê có thương hiệu, sang trọng. Một khảo sát nhanh cho thấy, giá trung bình cho một ly cà phê vỉa hè dao động từ 12.000 đến 20.000 đồng, trong khi các quán cà phê trong nhà có giá bình quân từ 35.000 đến 50.000 đồng/ly. Chính mức chênh lệch này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự thân thiện, gần gũi của người bán hàng cũng là một điểm cộng lớn cho cà phê vỉa hè.
Thách thức quản lý và bài toán hài hòa lợi ích
Dù vậy, sự phát triển của mô hình cà phê vỉa hè tại TP.Vũng Tàu cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý trật tự đô thị.
Ông Nghiêm Viết Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm là những vấn đề cần được giải quyết khi nói đến cà phê vỉa hè. Nhiều quán cà phê hoạt động không phép, lấn chiếm vỉa hè, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Đa phần quán cà phê vỉa hè không được cấp phép. Nhiều quán hoạt động trong tình trạng "núp bóng", gây khó khăn cho công tác quản lý. "Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh về việc các quán lấn chiếm lòng đường, gây cản trở giao thông. Có những đoạn vỉa hè rộng 3m nhưng chỉ còn lại 50cm cho người đi bộ”, ông Hùng cho hay.
Để giải quyết những vấn đề này, UBND TP.Vũng Tàu đã đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện thí điểm việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, trên cơ sở hè phố phải đảm bảo có bề rộng từ 3m trở lên. Hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5m. Thế nhưng, ngay cả những khu vực thực hiện thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè, tình trạng buôn bán, kinh doanh vượt ngoài phạm vi ranh giới được phép vẫn diễn ra khá phổ biến.
Bà Phạm Thị Lan Anh, bán cà phê vỉa hè 15 năm qua trên đường Lê Lợi nói: "Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương cho thuê vỉa hè. Điều quan trọng là phải có sự đồng thuận và hỗ trợ từ hai phía. Người kinh doanh cần ý thức trách nhiệm, còn chính quyền cần tạo điều kiện để chúng tôi làm ăn hợp pháp".
Bài, ảnh: NGUYỄN NAM