Ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 25/11/2024, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trước những biến đổi cực đoan của khí hậu, ngành nông nghiệp và nông dân đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp, mô hình ứng phó nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.

Trước những biến đổi thất thường của khí hậu, nhiều hộ nuôi thủy sản đã chuyển dần sang mô hình nuôi nhà màng, công nghệ cao.  Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến (huyện Long Điền).
Trước những biến đổi thất thường của khí hậu, nhiều hộ nuôi thủy sản đã chuyển dần sang mô hình nuôi nhà màng, công nghệ cao. Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Chợ Bến (huyện Long Điền).

Triển khai các giải pháp thích ứng

Nhận thấy nguồn nước tưới và hệ sinh thái tự nhiên là những yếu tố quan trọng giúp cây trồng phát triển ổn định trước những bất lợi của thời tiết, ngay từ khi bắt đầu trồng sầu riêng năm 2019, ông Đoàn Đức Hòa (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã đầu tư hệ thống tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân tự động cho 2ha sầu riêng.

Theo ông Hòa, trước tình hình thời tiết ngày càng bất lợi, nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước thì việc áp dụng hệ thống tưới tự động là giải pháp giúp tiết kiệm nước hiệu quả. Giải pháp này cũng giúp tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công, cũng như bảo vệ sức khỏe của nông dân. Với hệ thống tưới tự động này, ông Hòa tiết kiệm được 70% chi phí so với cách làm thông thường và giảm hoàn toàn chi phí nhân công. Bên cạnh đó, ông cũng chủ động chuyển từ việc diệt cỏ sang quản lý cỏ để bảo đảm độ ẩm cho đất và giúp cây không bị sốc nhiệt khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Trước những biến đổi cực đoan của khí hậu, các trang trại chăn nuôi cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) với quy trình chăn nuôi tự động để vật nuôi được sinh trưởng trong môi trường tiểu khí hậu phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ở lĩnh vực nuôi thủy sản, tôm là động vật nhạy cảm với thời tiết. Do đó, khi có những bất lợi - mưa nắng thất thường, tôm chậm lớn và gặp rủi ro cao. Khắc phục yếu tố thời tiết, hiện nhiều nông hộ, HTX, DN đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng. Với phương pháp này, người nuôi sẽ kiểm soát được chất lượng nước, dịch bệnh. Nhờ vậy, số vụ nuôi và sản lượng tăng lên gấp 3 lần so với trước.

Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến, huyện Long Điền cho biết, hiện nay, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, HTX đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng. Thời gian trước, HTX chỉ nuôi tôm bán thâm canh phụ thuộc nhiều vào thời tiết và không đạt hiệu quả cao. Từ khi chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi yên tâm hơn vì giảm được nỗi lo thời tiết. Quy trình nuôi cũng được kiểm soát chặt chẽ. Ao nuôi tôm công nghệ cao giống như 1 ly nước sạch vì được thay nước hàng ngày nên bảo đảm an toàn. Mô hình nuôi kiểu này rất bền vững.

Ông Đoàn Đức Hòa, xã Xà Bang, huyện Châu Đức sử dụng hệ thống tưới tự động trong trồng trọt nhằm giảm nhân công và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đoàn Đức Hòa, xã Xà Bang, huyện Châu Đức sử dụng hệ thống tưới tự động trong trồng trọt nhằm giảm nhân công và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Để nông nghiệp phát triển cân bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp. Ngành đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để đáp ứng nhu cầu tưới, đồng thời tiêu úng cho những khu vực bị ngập; ứng dụng công nghệ đo mưa, dự báo mực nước tại hồ chứa, dự báo lũ, ngập lụt, chủ động phòng chống thiên tai gắn với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…

Đến nay, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được áp dụng rộng rãi, với hơn 18.100ha, chiếm hơn 24,3% tổng diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích chuyển đổi cây trồng cũng tăng lên. Năm 2024, có hơn 900ha cây trồng được chuyển đổi.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các giải pháp, quy trình canh tác tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả dự án trồng, chăm sóc, phục hồi và bảo vệ diện tích rừng hiện có, nhất là rừng ngập mặn, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trong giai đoạn 2022-2025.

“Chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động ứng phó, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai như: rà soát, đánh giá mức độ an toàn hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu, quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư; tiếp tục thực hiện đề án quản lý rủi ro, thiên tai dựa vào cộng đồng, xây dựng phương án di dời và tái định cư cho dân cư vùng thường xuyên bị tác động bởi thiên tai”, ông Tuấn thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.