Mở lối chính sách - Khơi dậy tiềm năng Mobile Money

Chủ Nhật, 10/11/2024, 15:34 [GMT+7]
In bài này
.

Các nhà mạng kiến nghị cần bổ sung chính sách phù hợp khi xây dựng quy định pháp luật chính thức về việc sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ (Mobile Money).

Các nhà mạng đề xuất có cơ chế cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile Money để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Các nhà mạng đề xuất có cơ chế cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile Money để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Gần 10 triệu người dùng trên cả nước

Theo báo cáo tổng kết chương trình Mobile Money của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2024, cả nước có hơn 9,87 triệu khách hàng đăng ký; gần 12.000 điểm kinh doanh dịch vụ được thiết lập (hơn 7.500 điểm tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo); 275.970 đơn vị chấp nhận thanh toán, chủ yếu cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công...

Tổng số lượng thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 102 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.460 tỷ đồng. Đến nay, cả 3 nhà mạng được cấp phép dịch vụ này đều bảo đảm được việc duy trì số dư trên tài khoản thanh toán lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile Money của khách hàng.

Đại diện MobiFone Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trong thời gian qua, nhà mạng này đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển số lượng khách hàng và bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ. Cụ thể, hệ sinh thái tài chính số MobiFone Money có thể cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng như Ví điện tử MobiFone Pay, Tiền di động, Cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền điện tử và các dịch vụ tài chính hợp tác với nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng.

“MobiFone áp dụng cũng chính sách giá cả cạnh tranh, với nhiều ưu đãi và chiết khấu hấp dẫn, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí khi sử dụng dịch vụ. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 14.000 thuê bao sử dụng dịch vụ MobiFone Money”, đại diện MobiFone Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin thêm.

Sớm có hành lang pháp lý chính thức

Thời gian thực hiện thí điểm chương trình Mobile Money đến hết 31/12/2024. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và các nhà mạng đều cho rằng, cần xây dựng, ban hành hành lang pháp lý chính thức đối với dịch vụ này, tạo điều kiện để các tổ chức cung ứng dịch vụ và đối tác ổn định kinh doanh, mạnh dạn đầu tư để phát triển mạnh và lâu dài hơn; có đầy đủ công cụ hạn chế rủi ro và thực hiện được mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Cụ thể, các DN đề xuất mở rộng đối tượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money (hiện nay đang giới hạn là số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký dịch vụ) để những khách hàng có nhu cầu không phải chờ đợi.

Một điểm được nhiều nhà mạng thống nhất là hạn mức hiện nay không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán là chưa phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân, dẫn đến chưa thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ này. Do đó, các DN thực hiện thí điểm đều đề xuất tăng hạn mức giao dịch của dịch vụ Mobile Money.

Cùng với đó, Viettel, VNPT cũng đề xuất về việc xem xét, có cơ chế cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile Money của các DN thực hiện thí điểm. Khách hàng có thể chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của DN thí điểm này với DN thí điểm khác.

Viettel cũng đề xuất cho phép mở rộng nghiệp vụ nạp, rút, chuyển tiền giữa tài khoản Mobile Money và thẻ trả trước để tạo thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ; cho phép khách hàng được lựa chọn phương thức xác thực giao dịch hoặc không sử dụng phương thức xác thực giao dịch đối với các giao dịch thường xuyên, định kỳ (như thanh toán điện, nước, viễn thông, phí giao thông…).

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.