Logo sản phẩm chung được tạo ra từ dự án hợp tác giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Sanjo, tỉnh Niigata, Nhật Bản là hình ảnh đôi cánh tung bay, với ý nghĩa “Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau sải cánh ra thế giới”, thể hiện định hướng, mục tiêu hợp tác, phát triển mạnh mẽ.
Các nghệ nhân, kỹ sư Nhật Bản hướng dẫn DN của tỉnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu chung. |
Sản phẩm mangthương hiệu chung ENII
Tham gia dự án “Hỗ trợ kinh doanh Doanh nghiệp nhỏ và vừa SDGs trong khuôn khổ chương trình phổ cập, kiểm chứng, thương mại hóa dành cho DNNVV thông qua việc giới thiệu sản phẩm Việt Nam được sản xuất bởi Tsubame-Sanjo và thương hiệu Tsubame-Sanjo tại Việt Nam” (dự án Sanjo), 4 DN Nhật Bản cử nghệ nhân, kỹ sư đến Việt Nam trực tiếp hỗ trợ các công ty kiểu mẫu của tỉnh sản xuất các sản phẩm như dao, kìm, cưa và một số sản phẩm làm đẹp… với độ tinh xảo và chính xác cao.
Đến nay, nhiều DN đã sản xuất được các sản phẩm này mang thương hiệu chung là ENII (viết tắt từ ETSUNITI, nghĩa là Việt Nam và Nhật Bản cùng chung tay). Ông Trần Duy Hưng, Phó Giám đốc Công ty CP Xây lắp và dịch vụ kỹ thuật Phú Mỹ (PMC) cho biết, đã được các nghệ nhân, kỹ sư của Công ty Takagi hướng dẫn sản xuất sản phẩm cưa gỗ quấn mây, đến nay đã có sản phẩm được phía Nhật Bản đánh giá cao.
“Chúng tôi còn được tới Nhật Bản, tiếp cận với quy trình sản xuất, và rất ấn tượng với sự kết hợp của chuỗi nhà thầu phụ, tạo ra từng chi tiết riêng lẻ, rồi lắp ráp hoàn thiện, đóng gói sản phẩm chất lượng tại quốc gia này”, ông Hưng nói.
Còn theo ông Đỗ Trần Khánh Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Kiểm định Sông Hồng, nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia, sản phẩm cưa của DN đạt chất lượng không thua các sản phẩm Nhật Bản. Cùng với đó, DN cũng rút ra được bài học rằng trong sản xuất, mỗi chi tiết dù rất nhỏ, nhưng nếu làm tinh tế, tỉ mỉ sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Ông Ninh cho biết: “Chúng tôi đã hiểu hơn về văn hóa, con người Nhật Bản, học được thêm sự kỷ luật, tỉ mỉ, cẩn thận, khiêm tốn, làm việc với thái độ nghiêm túc, khoa học và cả niềm đam mê để tạo ra những sản phẩm tốt nhất”, ông Ninh nói.
UBND tỉnh và Chính quyền thành phố Sanjo đã ký kết Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai địa phương giai đoạn 2024-2026. Theo đó, hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động như trao đổi thông tin, kết nối hợp tác giữa các DN trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trao đổi thông tin giữa các công ty du lịch lữ hành của hai địa phương…
|
Thêm nhiều cơ hội hợp tác
Trong khuôn khổ dự án Sanjo, cùng với việc hợp tác tạo ra sản phẩm mang thương hiệu chung, các doanh nhân, nghệ nhân, nhà khoa học từ Nhật Bản đã chia sẻ các kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu hay bảo vệ môi trường.
Những bài học từ một địa phương có thế mạnh về công nghiệp cơ khí của Nhật Bản đã giúp các DN, nhà quản lý của tỉnh hiểu sâu và có thêm kỹ năng, kiến thức. Ông Trần Đình Bách, Giám đốc Công ty TNHH Alita Tech (TX.Phú Mỹ cho biết, đã được hướng dẫn quy trình, thao tác trong xử lý rác thải, nước thải để vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm nước, điện năng. “Những kinh nghiệm về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; sắp xếp máy móc, thiết bị trong nhà xưởng để thuận tiện trong sản xuất và quản lý rất bổ ích. Hiện nay, chúng tôi đã áp dụng vào sản xuất tại nhà xưởng, mang lại hiệu quả cao”, ông Bách thông tin.
Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, các DN từ hai phía đang tiếp mong muốn mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, đã có những DN liên kết, có ý tưởng mở showroom trưng bày các sản phẩm của dự án; thực hiện chuỗi dịch vụ mài, sửa chữa dao cũ. Đặc biệt, ngoài các máy móc sẵn có từ sự hỗ trợ của dự án, một số DN tiếp tục đầu tư thêm thiết bị để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bài, ảnh: QUANG VINH