.

Giải pháp xanh cho nông nghiệp tuần hoàn

Cập nhật: 17:50, 15/11/2024 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, chống phát thải nhà kính, giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm là vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp: Hiện trạng và phát triển” do Sở KH-CN tổ chức ngày 15/11.

Đại biểu tham quan mô hình máy cắt cỏ tự động của Công ty TNHH đầu tư thiết bị nông nghiệp Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh).
Đại biểu tham quan mô hình máy cắt cỏ tự động của Công ty TNHH đầu tư thiết bị nông nghiệp Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh).

Tàn dư chất thải, phế phụ phẩm lớn

Theo GS.TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao KH-CN, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, sản xuất nông nghiệp truyền thống ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Tàn dư hóa chất trong phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây độc hại cho môi trường đất, nước.

Báo cáo của Bộ TN-MT về ô nhiễm môi trường nông nghiệp cho thấy, bình quân mỗi năm có 19.600 tấn vỏ bao thuốc BVTV và phân bón thải ra môi trường. Lượng phân bón dùng trong cây trồng tăng 51,7%, trong 25 năm qua, nhưng 2/3 không được hấp thụ. Người dân sử dụng phân bắc, phân chuồng tươi trong trồng trọt vẫn phổ biến. Một số vùng trồng rau, sử dụng phân bắc tươi 7-12 tấn/ha không qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Việc đốt đồng, rơm rạ làm phát thải trực tiếp hơn 80%, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đất bị chai, khô, mất dinh dưỡng. Chất thải trong ngành chăn nuôi, thủy sản cũng có từ 75-85 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, số lượng phế phụ phẩm ngành nông nghiệp thải ra môi trường ước khoảng 160 triệu tấn/năm. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%) như: rơm, rạ, trấu, vỏ trái cây, bã mía…; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%) như: vỏ tôm, da cá các loại…

Để bảo vệ môi trường và tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, hiện nay nhiều địa phương đã áp dụng các chế phẩm sinh học thay thế việc sử dụng thuốc hóa học BVTV, kháng sinh trong phòng, trừ dịch hại, giúp cải tạo đất, cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.

Công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc áp dụng công nghệ sinh học, thực hiện chế phẩm sinh học thay thế phân bón vô cơ đang được đẩy mạnh phát triển. Đây cũng là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn vì việc sử dụng phế phụ phẩm của đầu ra, ủ chế thành phân bón vi sinh tái sử dụng lại ở khâu đầu vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp là một chu trình khép kín và tuần hoàn.

Theo Sở KH-CN, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phụ phẩm sản xuất theo quy trình nông nghiệp tuần hoàn và mang lại hiệu quả cao như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình trồng lúa - nấm; mô hình trồng lúa - nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất ủ phân bò - trùn quế - trồng cây; trồng ngô - gia súc...

“Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp đã chứng minh được ưu điểm vượt trội, đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân như giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng, năng suất nông sản và không gây ô nhiễm môi trường”, TS. Lương Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở KH-CN nhận định.

Triển lãm “Công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của 25 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Triển lãm đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ nhiều thành phần khác nhau như: đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên, sinh viên, HTX, nông dân trong và ngoài tỉnh.

Để nông dân, HTX có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, dự án thực tế, bên cạnh hội thảo, Sở KH-CN đã kết hợp tổ chức triển lãm “Công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Ông Đỗ Văn Bào, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Cầu (TP.Bà Rịa) cho rằng, hội thảo kết hợp triển lãm thực sự hữu ích vì có nhiều ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nông dân có thể học hỏi, áp dụng trực tiếp vào sản xuất.

“Ngoài các công nghệ tưới tiêu, tưới tự động, HTX rất quan tâm đến các chế phẩm sinh học được trưng bày tại triển lãm. Đặc biệt, thông qua hội thảo, chúng tôi đang học cách chế tạo, ủ phân sinh học từ các phế phụ phẩm trong vườn rau của HTX và tái sử dụng lại làm phân bón theo quy trình khép kín, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Quá trình thực hiện được chuyên gia hướng dẫn, tôi cảm thấy cũng dễ làm, vừa bảo vệ môi trường lại giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản”, ông Bào chia sẻ.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

.
.
.