Gà ta mất giá, người nuôi dè chừng
Vào thời điểm bắt đầu vụ nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, giá gà ta lại giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40 ngàn đồng/kg, thấp hơn chi phí chăn nuôi. Do đó, thay vì tăng đàn như các năm trước, nhiều hộ chăn nuôi giảm quy mô, thậm chí ngừng nuôi.
Nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức) chăm sóc gà. |
Giảm đàn, nuôi cầm chừng
Năm ngoái, từ giữa tháng 9 âm lịch, gia đình ông Nguyễn Văn Long (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đã nuôi đàn gà khoảng 6.000 con giống Minh Dư để phục vụ thị trường Tết. Ở thời điểm đó, với giá bán 65-70 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Năm nay thì khác. Thay vì tăng đàn để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, ông lại giảm đàn. Ông Long buồn rầu cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá gà liên tục giảm sâu, có lúc giảm đến phân nửa khiến tôi thua lỗ. Đến thời điểm này, giá gà vẫn chưa có dấu hiệu đi lên. Trung bình cứ 1.000 con tôi lỗ khoảng 15 triệu đồng. Vì vậy, vụ Tết này tôi cũng chỉ thả khoảng 2.000 con, bằng 1/3 so với năm ngoái và dự kiến sẽ đi bán lẻ chứ khó bán được cho thương lái”.
Cũng như hộ ông Long, từ đầu năm đến nay gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cũng chỉ nuôi cầm chừng. Ông Tuấn cho biết, năm nay giá gà xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào cao nên vụ Tết này gia đình ông treo chuồng. “Lứa gà đang nuôi này tôi dự định bán trước Tết rồi qua Tết mới thả lại. Hy vọng thời điểm trước Tết, giá gà nhích lên được chút ít, giúp tôi giảm lỗ”, ông Tuấn nói.
Thời điểm này, bà Lê Thị Cẩm Duyên (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) cũng giảm hơn 50% tổng đàn gà so với trước. Theo bà Duyên, 2 lần xuất bán gà gần đây, với khoảng 2.500 con bà lỗ gần 200 triệu đồng. Thời điểm này, người chăn nuôi đã thả lứa gà Tết nhưng bà Duyên vẫn còn e ngại về giá cả, đầu ra cho thị trường Tết.
“Đầu ra của gà ta rất bấp bênh, lúc giá cao thì thương lái đến trại mua nhiều, nhưng khi thị trường tiêu thụ chậm, giá rẻ lại rất khó tìm người mua. Trước tình hình thị trường biến động thất thường như hiện nay, cộng thêm hai lứa vừa rồi lỗ nặng, vụ Tết này tôi chưa biết thế nào nên cũng đã chủ động giảm đàn, nuôi cầm chừng. Tôi hy vọng giá gà Tết tăng lên để người nuôi có vốn và động lực cho vụ nuôi sau”, bà Duyên nói.
Liên kết chuỗi để ổn định
Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, các trang trại, hộ chăn nuôi gà phải gồng mình gánh lỗ vì giá gà ta bán ra thường thấp hơn giá thành sản xuất. Vì thế, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi thu hẹp sản xuất. Vụ Tết năm nay, các hộ nuôi hầu như không mở rộng quy mô vì lo rủi ro về đầu ra.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 6,87 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó, 1/3 tổng đàn phục vụ Tết. Vài năm nay, sức tiêu thụ thịt gà trong dịp Tết tăng không nhiều so với ngày thường nên thời điểm giá xuống thấp, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tính toán quy mô, nhu cầu thị trường để tái đàn phù hợp. Quá trình nuôi, nông dân cần tăng cường phòng chống dịch như: tiêm vắc xin cho gia cầm, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Đồng thời, chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi an toàn sinh học nâng cao giá trị sản phẩm và liên kết chuỗi để ổn định giá và đầu ra.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU