Giá điện tăng 4,8% đang tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu.
Nhân viên Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu bảo trì lưới điện. |
Chi phí sản xuất tăng
Kể từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm 4,8%, từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Đây là lần điều chỉnh giá điện thứ 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kể từ năm 2023 đến nay, với tổng mức tăng hơn 12%.
Việc tăng giá điện trong thời điểm thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, đẩy các DN vào thế khó. Nhiều DN đã phải chịu áp lực lớn từ việc chi phí điện năng tăng, dẫn đến việc tăng giá thành sản phẩm và giảm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Nhật Thành Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Thống Nhất, DN này phải chi trả hơn 3 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. “Việc giá điện tăng đã buộc công ty phải điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch sản xuất và tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí phát sinh, khiến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Nguyễn Nhật Thành Lâm cho hay.
Các DN trong nhiều lĩnh vực khác cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự. Ông Nguyễn Hữu Chính, đại diện Công ty TNHH CS WIND Việt Nam cho biết, công ty xuất khẩu hàng hóa đến nhiều thị trường với giá cả cạnh tranh, nhưng việc giá điện tăng đã khiến chi phí sản xuất tăng theo, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh.
“Giá điện tăng bao nhiêu thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất lên bấy nhiêu. Ví dụ giá điện tăng 4,8% thì chí phí sản xuất sẽ đội lên thêm như thế. Đây là con số không hề nhỏ đối với DN”, ông Chính chia sẻ.
Các DN cho rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, EVN cần có lộ trình tăng giá rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra việc tăng giá ở thời điểm gần Tết khi lượng đơn hàng nhiều, trong khi đó các hợp đồng đều đã ký kết từ trước đó nhiều tháng, không thể điều chỉnh giá cũng là thách thức, khó khăn cho DN.
Tìm nguồn điện thay thế
Trước tình hình giá điện tăng cao, nhiều DN xuất nhập khẩu đã phải tìm kiếm các giải pháp cho mục tiêu phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Một số DN đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như hệ thống điều hòa nhiệt độ hiệu quả và các thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng khác.
Theo ông Nguyễn Nhật Thành Lâm, Công ty CP Cao su Thống Nhất đã đàm phán với các đối tác về việc sử dụng năng lượng mặt trời, với kỳ vọng có thể mua điện với giá chỉ bằng 80% giá điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn đang gặp khó khăn do vướng mắc trong thủ tục đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Công nhân Công ty CP Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su xuất khẩu. |
Trong khi đó, CS WIND Việt Nam đang cân nhắc đầu tư vào năng lượng tái tạo như một giải pháp dài hạn để giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống. Nhiều DN khác cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng đèn LED, nâng cấp hệ thống điều hòa nhiệt độ và đầu tư vào các thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tổ góp ý hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Điện lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, một số nhà đầu tư quốc tế đã chuyển hướng sang các thị trường khác, một phần do lo ngại về tình trạng thiếu điện trong tương lai tại Việt Nam.
“Không thể để tình trạng độc quyền kìm hãm sự phát triển. Chúng ta không thể chờ đợi các nhà máy điện than, nhiệt điện hiện tại thu hồi đủ vốn rồi mới cho phát triển các nguồn điện mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Chính phủ đã triển khai các chính sách hỗ trợ DN trong việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Các chương trình tài trợ, vay vốn ưu đãi và chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo đang được triển khai, nhằm tạo động lực cho DN thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.
Bài, ảnh: NGUYỄN NAM