Chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm
Thời điểm cuối năm, nhu cầu vận chuyển-tiêu thụ gia súc, gia cầm tăng, dẫn tới nguy cơ tái phát dịch bệnh vì thế cũng rất cao.
Ông Nguyễn Văn Tỏa (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) tiêm phòng cho heo. |
Ngành chăn nuôi tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao vào cuối năm.
Chủ động phòng dịch
Gia đình ông Mai Xuân Du (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đang tất bật chăm sóc cho đàn heo 560 con, trong đó có 300 con bán dịp Tết này.
Theo ông Du, người chăn nuôi heo vụ Tết không quá lo về giá mà lo về công tác phòng, chống dịch bệnh, bởi đây là thời điểm nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Vì vậy, trước khi tái đàn, ông phun xịt khử trùng, vệ sinh chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, hằng ngày ông vệ sinh chuồng trại và khử khuẩn 3 lần/tuần, tiêm vắc xin và bổ sung vitamin cho heo; hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi.
Để chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, ông Trần Thanh Bình (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) nuôi khoảng 2.500 con gà tàu vàng-giống gà bản địa, nuôi phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Ông Bình tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm đủ 6 lần vắc xin phòng bệnh theo chu kỳ.
Công tác phòng, chống dịch tại các trang trại lớn càng được chú trọng. Việc tiêm phòng vắc xin cho heo, gà được thực hiện đầy đủ và liên tục cho từng lứa. Ngoài ra, hệ thống chuồng trại luôn được phun khử trùng, sát khuẩn thường xuyên từ 2 đến 3 lần/tuần, vôi bột được rắc chung quanh, không cho người lạ ra vào chuồng trại. Khi có người vào trang trại sẽ phun xịt khử trùng toàn thân và mặc đồ bảo hộ.
Tổng đàn heo của tỉnh tính đến cuối tháng 10 hơn 411 ngàn con, tăng 4,2% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 6,97 triệu con, tăng 3,7% so với cùng kỳ; tổng đàn trâu bò hơn 57 ngàn con, tăng 3,5% so cùng kỳ... Nguồn gia súc, gia cầm này bảo đảm 40% nhu cầu của địa phương và 60% xuất đi các tỉnh. |
Khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận xảy ra 17 ổ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, lực lượng thú y và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn cơ sở chăn nuôi các biện pháp tiêu hủy, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương trong tỉnh được kiểm soát hiệu quả.
Tuy nhiên cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo, gà tăng cao, cộng với yêu tố thời tiết là điều kiện “thuận lợi” khiến dịch bệnh bùng phát. Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng, tính toán mức độ tăng đàn hợp lý; tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, huyện tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các mầm bệnh nguy hiểm trong môi trường. Đồng thời, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm bỏ sót trong đợt chính, đàn đến tuổi tiêm phòng, đàn mới phát sinh.
Ông Phan Văn Trai, Phòng nghiệp vụ Chăn nuôi và Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết, ngoài việc tăng cường công tác tiêm phòng, thực hiện các đợt phun xịt khử trùng tại các trang trại và hộ chăn nuôi, ngành cũng tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; con giống; sát trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngành cũng chỉ đạo nhân viên thú y tăng cường kiểm soát lò mổ và làm việc trực tiếp với cơ sở giết mổ về việc kiểm soát nguồn gốc động vật, chỉ động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng mới được nhập vào cơ sở giết mổ.
“Chúng tôi cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ”, ông Phan Văn Trai chia sẻ.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU