.

Nỗ lực ngày đêm để hoàn thiện khuyến nghị của EC về IUU

Cập nhật: 18:45, 21/11/2024 (GMT+7)

Nhằm nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, các cơ quan chức năng và địa phương đang đẩy nhanh việc thực hiện theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trong lần thanh tra trước. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã phỏng vấn bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT về tình hình thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Phóng viên: Công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa bà?

- Bà Phạm Thị Na: Các cơ quan chức năng và địa phương đang nỗ lực hết mình, làm ngày làm đêm để hoàn thiện các khuyến nghị của EC. So với thời điểm lần thanh tra trước (tháng 10/2023), công tác chống khai thác IUU của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Cơ sở vật chất được đầu tư hơn, số hóa việc quản lý đội tàu, cảng cá; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm. Nhờ đó ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật hơn.

● Xin bà cho biết, việc quản lý đội tàu cá đang hoạt động trên biển, tàu cá nằm bờ có những thay đổi gì? Đối với tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép), tàu cá chưa đủ điều kiện khai thác, chúng ta đã giải quyết dứt điểm chưa?

- Tỉnh đã số hóa việc quản lý đội tàu cá từ phần mềm giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc (eCDT), xử lý vi phạm của Trung ương đến phần mềm quản lý tàu cá riêng của tỉnh mà các cơ quan chức năng đang triển khai.

Với việc số hóa quản lý này, mọi chuyển biến của tàu cá đều hiển thị rõ ràng trên phần mềm từ tình trạng tàu cá đang nằm bờ hay hoạt động trên biển, đánh bắt loại hải sản nào, sản lượng bao nhiêu, có bật kết nối giám sát hành trình, đánh bắt đúng vùng khai thác không?… Từ đó kịp thời có những biện pháp xử lý, ngăn chặn các trường hợp tàu cá vi phạm IUU.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban quản lý các cảng cá và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để tàu cá chưa đủ điều kiện xuất bến khai thác hải sản trên biển; thường xuyên rà soát, theo dõi, cập nhật vị trí, hình ảnh tàu neo đậu, nằm bờ.

Chúng tôi đang phân loại các nguyên nhân tàu cá chưa đủ giấy phép khai thác, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện các loại giấy tờ để đủ điều kiện ra khơi. Riêng với tàu cá “3 không”, tỉnh đã cấp vẽ số cho 100% tàu. Sau khi kiểm tra, đo đạc thực tế, đến ngày 20/11, Chi cục Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 600 tàu. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế, Chi cục Thủy sản và các địa phương hỗ trợ ngư dân nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để hoàn thành việc cấp đăng ký cho tàu cá “3 không” trong năm nay.

Cán bộ Đồn Biên phòng Côn Đảo kiểm tra giấy tờ và tình trạng hoạt động tàu cá vi phạm IUU trên hệ thống phần mềm quốc gia ở cảng Bến Đầm (Côn Đảo).
Cán bộ Đồn Biên phòng Côn Đảo kiểm tra giấy tờ và tình trạng hoạt động tàu cá vi phạm IUU trên hệ thống phần mềm quốc gia ở cảng Bến Đầm (Côn Đảo).

● Được biết thời gian qua lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm IUU, không có vùng cấm. Kết quả thực hiện công tác này đến nay như thế nào, thưa bà?

- Từ sau lần thanh tra thứ 4 của EC vào tháng 10/2023, khung pháp lý của Việt Nam đã hoàn thiện rất nhiều. Chính phủ đã ban hành các Nghị định 36, 37, 38 và Nghị định 04 của Tòa án Nhân dân tối cao nâng mức xử lý các vi phạm IUU lên rất nặng và khởi tố hình sự các vụ việc vi phạm nghiêm trọng.

Công an tỉnh đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến việc cảng cá xác nhận sai nguyên liệu, tàu cá tháo gửi thiết bị giám sát hành trình, xuất cảnh trái phép đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, đang tiếp tục điều tra 3 vụ việc liên quan đến gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vi phạm khai thác không theo quy định. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa việc xét xử lưu động các vụ án này tại các địa phương có biển trọng điểm để đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự răn đe trong ngư dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường việc xử lý các vi phạm tàu cá mất kết nối VMS,  thành lập Tổ xác minh, xử lý vi phạm ngay khi tàu vừa mất kết nối trên 6 giờ (trước chỉ xử lý mất kết nối trên 10 ngày). Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 216 vụ với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh từ tháng 10/2023 đến nay đã điều tra, xử lý 104 lượt/102 tàu mất kết nối trên 10 ngày, ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 tàu cá với số tiền 1,1 tỷ đồng. 58 tàu còn lại do bất khả kháng, lỗi vệ tinh, lỗi nguồn điện có xác nhận của nhà mạng, tàu chìm… nên không xử phạt. Riêng với vi phạm mất kết nối từ 6 giờ đến dưới 10 ngày. Tổ xác minh đã tập trung rà soát xử lý 1.184/1.727 tàu vi phạm, xử phạt 52 tàu với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Các trường hợp còn lại đang được tiếp tục xác minh, xử lý.

Nhân viên Cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiểm tra sản lượng hải sản tàu cá vừa cập bến bốc dỡ lên bờ.
Nhân viên Cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiểm tra sản lượng hải sản tàu cá vừa cập bến bốc dỡ lên bờ.

Công tác quản lý, chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các cảng cá và tàu cá để bảo đảm công tác truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu qua châu Âu theo khuyến nghị của EC sau lần thanh tra thứ 4 đến nay đã chuyển biến ra sao?

- Tỉnh đã hoàn thành việc trang bị máy tính bảng hệ điều hành Android cho các cảng cá và Đồn/Trạm Biên phòng để hỗ trợ ngư dân và DN truy cập, sử dụng hệ thống phần mềm truy xuất điện tử nguồn gốc thủy sản khai thác (eCDT VN). Từ tháng 7/2024 đến nay, các cảng cá đã hướng dẫn chủ tàu và thực hiện xác nhận trên phần mềm eCDT VN cho 5.020 lượt tàu rời cảng và 3.854 lượt tàu cập cảng.

Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU tại các cảng cá để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện và xử lý vi phạm.

Qua các cuộc kiểm tra, đến nay các cảng cá đã thực hiện tốt việc quản lý tàu cá ra vào cảng, thu nhật ký khai thác, tổng hợp, báo cáo sản lượng khai thác qua cảng… và chưa phát hiện sai sót trong quá trình cấp 107 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng.

Xin cảm ơn bà!

NGỌC MINH
(Thực hiện)

.
.
.