Bộ Công thương vừa đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối tránh giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, dù các sàn thương mại điện tử này thu hút người tiêu dùng bởi giá rẻ và đa dạng mẫu mã, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng khi chưa hoàn thiện các thủ tục đăng ký, cấp phép theo quy định.
Ba rủi ro chính được Bộ Công thương cảnh báo gồm: nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái; khả năng bị đánh cắp dữ liệu cá nhân; và những rắc rối về nghĩa vụ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đáng chú ý, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi do các sàn này không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đặc biệt, với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, việc sử dụng hàng kém chất lượng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Về vấn đề bảo mật, người tiêu dùng phải cung cấp thông tin thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng hoặc ví điện tử khi mua hàng. Những dữ liệu này có nguy cơ cao bị đánh cắp, hoặc khai thác trái phép do không được bảo vệ theo quy định pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến nghĩa vụ thuế, người mua có thể gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm chi phí thuế không được thông báo trước.
Trước tình hình này, Bộ Công thương khuyến nghị người tiêu dùng nên tra cứu danh sách các sàn thương mại điện tử đã đăng ký tại địa chỉ online.gov.vn hoặc liên hệ tổng đài 1800.6838 để được tư vấn.
Liên quan đến sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc - đơn vị gần đây gây xôn xao dư luận do chưa đăng ký nhưng đã có website và ứng dụng phiên bản Việt Nam, ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, yêu cầu có biện pháp xử lý phù hợp đối với các trường hợp vi phạm.
NAM NGỌC