Cần cơ chế đặc thù để sớm triển khai dự án đường Vành đai 4, TP. Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 11/11/2024, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là ý kiến của các địa phương tại cuộc họp trực tuyến về dự án đường Vành Đai 4, TP.Hồ Chí Minh do Bộ GT-VT tổ chức ngày 11/11. Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại cuộc họp.

Kết nối vùng kinh tế trọng điểm

Báo cáo từ Bộ GT-VT cho biết, tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh khoảng 206,72km, trong đó đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu dài 18,23km, Bình Dương 47,95km, TP.Hồ Chí Minh 16,7km, Long An 78,3km. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 137 ngàn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã giao TP.Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh. Đây là dự án có quy mô rất lớn, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng có điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (thuộc địa phận TX. Phú Mỹ), khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT 992); điểm cuối trên địa phận huyện Châu Đức, giáp ranh với Đồng Nai (đoạn tiếp nối với dự án đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh trên địa bàn Đồng Nai). Trên tuyến có bố trí 3 nút giao liên thông, gồm: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường ĐT992, đường ĐT991 (đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình) và đường quy hoạch quốc lộ 51C. Giai đoạn 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng toàn bộ mặt cắt theo quy hoạch rộng 74,5m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.579 tỷ đồng, quy mô 4 làn cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/h. 

Cần cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện dự án Vành đai 4 đang đối mặt với khá nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối nguồn vốn ngân sách của các địa phương. Do đó, rất cần có những “cú hích” về cơ chế để tháo gỡ vướng mắc triển khai dự án.

Trong báo cáo tiền khả thi, các địa phương thống nhất đề xuất một số cơ chế đặc thù. Cụ thể, đề xuất được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án Vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ Ngân sách Trung ương); cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên nối tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là cơ chế đã được vận dụng khi thực hiện dự án Vành đai 3.

Tổng quan đường Vành Đai 4, TP. Hồ Chí Minh.
Tổng quan đường Vành Đai 4, TP. Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất phương thức đầu tư PPP vì qua tính toán lưu lượng và thăm dò thị trường cho thấy khả năng thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách là khả thi. 

Nhấn mạnh dự án đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, các địa phương cần rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho dự án. Về phía Bộ GT-VT cũng sẽ phối hợp với các địa phương tháo gỡ các vướng mắc để sớm triển khai dự án.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.