Nhằm nâng cao Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI), Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm chất lượng môi trường sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát xử lý nước thải tại một nhà máy sản xuất thủy sản tại TP. Vũng Tàu. |
Công tác bảo vệ môi trường còn một số hạn chế
Tại hội nghị tuyên truyền, nâng cao Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) diễn ra tháng 11/2024, ông Phạm Quốc Đăng, Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, năm 2021, PEPI của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 79,82 điểm, xếp hạng 2, chỉ sau TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, năm 2022, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng 35, với số điểm 57,73 điểm, giảm 22,09 điểm so với năm 2021.
Ông Phạm Quốc Đăng cho biết, bộ chỉ số PEPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần. Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Kết quả PEPI năm 2022 phản ánh, trong nhóm 1, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9 điểm so với năm 2021. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí thành phần tỉnh đạt tỷ lệ tuyệt đối (100%) như: Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh nước thải trên 50m3/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường (nằm ngoài KCN, CCN); tỷ lệ KCN, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…
Đáng chú ý, ở nhóm 2 - nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống lại giảm mạnh từ 28,3 điểm (năm 2021) xuống còn 9,2 điểm (năm 2022).
Ông Phạm Quốc Đăng cho rằng, kết quả trên cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học vẫn diễn biến khá phức tạp. Khối lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao như: công tác kiểm tra, giám sát các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được thường xuyên, liên tục; phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ; chuyển đổi mô hình xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt, phát điện còn chậm so với kế hoạch...
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Ông Phạm Quốc Đăng cho rằng, để nâng cao Bộ chỉ số PEPI, các địa phương cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền các cấp cần coi trọng việc giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; cải thiện chất lượng môi trường nước mặt tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch… Đồng thời, quan tâm giải quyết vấn đề thu gom, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường không khí tại khu vực; thực hiện nghiêm các quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, DN về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh; tăng cường bảo vệ, trồng rừng, cải tạo cảnh quan môi trường, sinh thái, nâng tỷ lệ che phủ rừng, tăng chất lượng và giá trị của rừng.
Ở cấp độ cao hơn, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; triển khai mạnh mẽ các giải pháp, xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm các “điểm đen” về môi trường, kết hợp di dời các cơ sở gây ô nhiễm với chỉnh trang đô thị, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, không để phát sinh các điểm ô nhiễm môi trường mới.
“Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của người dân vào các kế hoạch, chương trình hoạt động bảo vệ môi trường; phát huy sáng kiến, sáng tạo của người dân vì một môi trường xanh, sạch, đẹp. Giải quyết triệt để những vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận có liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các địa phương thông qua đường dây nóng. Có như vậy, Bà Rịa- Vũng Tàu mới khắc phục được điểm yếu trong nhóm 2 là mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống”, ông Đăng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ