Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm

Thứ Năm, 21/11/2024, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến tăng giá, ĐBQH và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.

Áp thuế GTGT là căn cứ giảm giá phân bón

Theo tính toán của các chuyên gia, việc áp thuế GTGT 5% với phân bón không làm mặt hàng này tăng giá, ngược lại các DN còn có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể, đối với phương án chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5%, thì giá phân Urê, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm lần lượt 2% và 1,13%; phân lân có thể giảm 0,87%. Giá NPK có thể tăng không đáng kể (0,09%) hoặc giữ nguyên.

Cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm dưới 30%), sẽ cho phép DN sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón. 

Đưa hàng lên xe tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Đưa hàng lên xe tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Với chính sách áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.

Mới đây, trong buổi Tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững” do Tạp chí Năng lượng mới/PetroTimes tổ chức (ngày 17/11/2024), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An- Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV cho rằng, đề xuất của Chính phủ đưa phân bón trở về chịu thuế GTGT 5% là hoàn toàn hợp lý về mặt cơ sở khoa học.

Đồng quan điểm này, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được- Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam khẳng định cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.

DN nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá

Ông Nguyễn Văn Được đưa ra ví dụ, hạch toán giá bán sản phẩm phân bón của DN sản xuất trong nước và DN nhập khẩu chưa bao gồm GTGT là 100 đồng, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng. Nếu DN sản xuất trong nước không được khấu trừ GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng thì giá thành sẽ tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng 108 đồng khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.

Với mức giá 108 đồng, DN sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi DN nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu DN nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.

Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm DN nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi. Từ đó, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các DN sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản.

Ông Được phân tích, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của DN, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.

Ngược lại, DN nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón. Họ cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.

Bài, ảnh: KHÔI ĐÌNH

 

 

;
.