Trồng khoai mài trên đất cát: Giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân

Thứ Năm, 03/10/2024, 17:44 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm qua, nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ đã thành công với mô hình trồng khoai mài trên đất cát, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Người lao động thu hoạch khoai mài tại vườn gia đình ông Đinh Công Trường.
Người lao động thu hoạch khoai mài tại vườn gia đình ông Đinh Công Trường.

Dễ chăm sóc, lợi nhuận cao

Gia đình ông Đinh Công Trường (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội), có hơn 6 năm gắn bó với cây khoai mài. Năm nay, gia đình ông trồng 2ha khoai mài và đang trong giai đoạn thu hoạch. Ông dự kiến thu về khoảng 80 tấn củ, với giá bán lẻ từ 90.000-100.000 đồng/kg và giá bán sỉ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Theo ông Trường, chi phí đầu tư cho mỗi vụ trồng khoai mài chỉ chiếm khoảng 20%, lợi nhuận thu về khoảng 80%. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông ước tính sẽ thu về gần 4 tỷ đồng từ vụ thu hoạch này.

Ông Trường chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây ăn trái, nhưng năng suất không còn cao. Khi chuyển sang trồng khoai mài, thu nhập trở nên ổn định hơn. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới tự động và sử dụng phân bón vi sinh đã được ủ hoai mục”.

Tương tự, gia đình ông Đặng Văn Trung (ấp Tân Hội, xã Phước Hội), cũng chuyển từ trồng điều sang trồng khoai mài từ 7 năm nay. Với diện tích 2.500m², ông Trung dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn củ trong vụ này, với giá bán dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng 40 triệu đồng, ông ước tính thu về khoảng 200 triệu đồng.

Ông Trung cho biết, việc chăm sóc khoai mài trên đất cát rất dễ dàng: “Cây khoai mài phát triển tốt mà không cần sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần bón phân hữu cơ, đặc biệt là phân vịt, gà ủ hoai mục, còn nếu sử dụng phân từ trâu, bò thì củ dễ bị con sùng phá hoại”.

Gia đình ông Trung có 9 anh chị em đều trồng khoai mài. Để đảm bảo cung cấp sản phẩm quanh năm, các thành viên trong gia đình trồng xoay vòng và rải vụ. Nhờ vậy, khoai mài luôn bán được giá và đem lại thu nhập ổn định. Dự kiến, đầu năm 2025, gia đình sẽ mở rộng thêm 2ha để tiếp tục mô hình trồng luân phiên.

Thúc đẩy khoai mài qua thương mại điện tử

Khoai mài, hay còn gọi là hoài sơn, không chỉ là thực phẩm, mà còn là dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Trước đây, người dân Bà Rịa - Vũng Tàu phải lên rừng tìm và khai thác khoai mài dại. Tuy nhiên, hiện nay, loại cây này đã được trồng phổ biến tại vùng đất cát Phước Hội. Chỉ sau 8-9 tháng trồng, khoai mài có thể thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Phần lớn các hộ trồng khoai mài tại Phước Hội đều đã đầu tư giàn leo và hệ thống tưới tự động, giúp cây dễ phát triển và tiết kiệm chi phí cho các vụ sau.

Ông Châu Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội, cho biết: “Hiện tại, xã có 44 hộ nông dân tham gia trồng khoai mài với diện tích hơn 7ha. Đầu tư ban đầu cho hệ thống giàn leo và tưới tự động giúp nông dân tiết kiệm chi phí về lâu dài, đồng thời tăng lợi nhuận. Với diện tích khoảng 1.000m², nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/năm”.

Năm 2023, khoai mài Phước Hội đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và sản phẩm còn đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã cấp 7 mã vùng trồng khoai mài với diện tích 1,1ha, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm này.

Ông Trung thông tin thêm: “Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử như Zalo, Facebook, PostMart… Qua đó, sản phẩm khoai mài Phước Hội sẽ tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn, mở rộng đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho bà con”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - CHÂU TRUNG

 

;
.