Tiếp cận đất đai là một trong 14 chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số quan trọng tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy, góp phần thu hút nhà đầu tư và giữ chân các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương.
Người dân nộp hồ sơ đất đai tại bộ phận một cửa UBND huyện Châu Đức. |
Nhiều chỉ số thành phần giảm điểm
Theo ông M.V.T., chủ một DN kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, trở ngại lớn nhất là thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn niêm yết theo quy định của văn bản. Cùng với đó, việc thực hiện các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian và giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định.
Trở ngại của DN ông T. cũng là trở ngại chung của nhiều doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến chỉ số tiếp cận đất đai bị giảm điểm. Kết quả năm 2023 cho thấy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 chỉ số đạt kết quả tốt, 2 chỉ số giữ nguyên tỷ lệ, điểm số và 8 chỉ tiêu giảm chất lượng so với năm 2022. Cụ thể, nhóm chỉ số con đạt kết quả tốt so với năm 2022, bao gồm 4 chỉ số: DN không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh; tỷ lệ DN gặp khó khăn, chậm giải phóng mặt bằng; việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường.
Nhóm chỉ số con giữ nguyên tỷ lệ, điểm số so với năm 2022, bao gồm 2 chỉ số: Các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; nếu bị thu hồi đất, DN sẽ được bồi thường thỏa đáng.
Nhóm chỉ số con giảm chất lượng so với năm 2022, bao gồm 8 chỉ số: Số ngày chờ đợi để được cấp GCNQSDĐ; DN đánh giá rủi ro bị thu hồi đất; tỷ lệ DN gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; tỷ lệ DN có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà, lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; tỷ lệ DN phải trì hoãn, hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; DN thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp khó khăn.
Theo ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT, năm 2024 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định, phấn đấu nâng chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh từ 7.16 điểm (năm 2023) lên 7.3 điểm trở lên (năm 2024), nằm trong nhóm 5 tỉnh có chỉ số tiếp cận đất đai có điểm số cao nhất. Từ đó, góp phần cải thiện chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường đất đai thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.
Mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính
Nhằm đạt được mục tiêu trên, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch “Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh năm 2024”, cụ thể hóa các nhiệm vụ chỉ tiêu tiếp cận đất đai, quyết liệt triển khai thực hiện; tập trung sâu vào những vấn đề còn hạn chế, còn yếu kém liên quan đến chỉ số tiếp cận đất đai, lựa chọn một số nhiệm vụ, một số khâu có tính đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Hiện nay, Sở TN-MT đã mạnh dạn thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết 17 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, rút ngắn 10 ngày so với quy định (giảm 50%); xây dựng phần mềm quản lý, khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh; công bố Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên ứng dụng mạng để phục vụ người dân và DN có nhu cầu tra cứu thông tin; xây dựng website tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp DN, người dân tra cứu nhằm ngăn chặn các trường hợp giả mạo, lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ông Phan Văn Mạnh cho hay, ngoài các giải pháp trên, Sở TN-MT còn thường xuyên sắp xếp, bố trí thời gian để làm việc trực tiếp với DN nhằm kịp thời hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai; tăng cường tổ chức các buổi tiếp xúc DN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của tổ chức trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai để đầu tư dự án. Trung bình mỗi quý, Sở TN-MT tổ chức hội nghị gặp mặt DN một lần để lắng nghe ý kiến, báo cáo kết quả hồ sơ vướng mắc đã xử lý và hồ sơ còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân tồn đọng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ