Nông dân tất bật nuôi đặc sản phục vụ Tết

Thứ Năm, 31/10/2024, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở huyện Xuyên Mộc đang tập trung nuôi, tăng đàn heo rừng lai, gà trống thiến... để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nhờ tận dụng các loại rau lá trong vườn làm thức ăn nên heo rừng lai của gia đình ông Trần Văn Phong (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân) được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nhờ tận dụng các loại rau lá trong vườn làm thức ăn nên heo rừng lai của gia đình ông Trần Văn Phong (ấp Bà Rịa, xã Phước Tân) được người tiêu dùng ưa chuộng.

Heo rừng lai dễ nuôi, dễ bán

Gia đình ông Trần Văn Phong, hội viên nông dân ấp Bà Rịa (xã Phước Tân) có hơn 30 con heo rừng lai chuẩn bị vào độ xuất bán, trọng lượng mỗi con đạt từ 20-30kg. Đây là đặc sản được thị trường “săn lùng” vào dịp Tết nên ông Phong chưa vội bán.

Với diện tích 8 sào đất vườn, trại heo có chục con heo nái sinh sản. Mỗi năm đẻ được 2 lứa, một phần số heo con giữ lại nuôi thịt, còn lại bán cho khách về nuôi giống. Để duy trì đàn heo rừng lai phát triển ổn định, ông Phong đã tập trung cho khâu chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, thực hiện tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh trang trại.

Theo ông Phong, một con heo rừng lai từ khi nuôi đến khi xuất bán thương phẩm từ 12-16 tháng, trọng lượng đạt 35-40kg. Còn heo giống nuôi khoảng 2 tháng, trọng lượng từ 8-10 kg là có thể bán. Mặc dù thời gian nuôi khá dài nhưng nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như các loại rau, củ, quả... đã giảm được chi phí và chăn nuôi các lứa heo gối đầu liên tục nên gia đình thường xuyên có heo xuất bán.

“Nhiều năm nay heo rừng được khách hàng ưa chuộng. Mỗi tháng gia đình tôi bán hơn chục con heo thịt và heo giống. Vào dịp Tết, số lượng heo thịt bán ra gấp đôi so với ngày thường, khách hàng chủ yếu là các mối quen trong tỉnh. Cách đây chừng nửa tháng, tôi xuất bán cho một khách hàng ở Bà Rịa hơn 20 con heo rừng lớn nhỏ để họ nuôi gầy đàn, kiếm hơn 30 triệu đồng”, ông Phong vui vẻ nói.

Còn tại xã Bưng Riềng, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp 2) đang chăm nuôi đàn heo rừng lai khoảng 200 con lớn nhỏ. Ông Hòa cho hay, heo rừng là sản phẩm dễ tiêu thụ với mức giá khá ổn định. Đến thời điểm này, ông đang chuẩn bị hơn 50 con heo thịt cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2025.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, toàn huyện hiện có gần 200 hộ nuôi heo rừng lai, với tổng đàn hơn 2.500 con; tập trung chủ yếu tại các xã Bông Trang, Bưng Riềng, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Phước Tân... Nhờ phương thức nuôi thả tự nhiên, cách ly, thực hiện vệ sinh phòng dịch tốt, mô hình nuôi heo rừng lai cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.

Gà trống thiến hút khách

Không chỉ heo rừng, đặc sản gà trống thiến cũng được người dân tìm mua nhiều trong dịp Tết. Vì thế, ngày càng nhiều bà con nông dân thả nuôi. Vụ Tết này, ông Phan Quốc Dũng (ngụ ấp Trang Định, xã Bông Trang) thả nuôi đàn gà trống thiến hơn 100 con để xuất bán ra thị trường Tết. Với giá bán từ 250-300 ngàn đồng/kg gà thịt, ông Dũng dự kiến sẽ thu trên 70 triệu đồng.

Theo những hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, dịp gần Tết, thay vì nuôi gà thịt thông thường, nhiều hộ đã lựa chọn nuôi loại gà trống thiến cung cấp ra thị trường.

Gà trống thiến thường có kích thước lớn gấp 3 lần so với gà bình thường, thịt mềm nhưng săn chắc và ngọt, không nhão như thịt gà tây, có nhiều mỡ, da dày và giòn, sau khi luộc màu gà ngả vàng óng rất đẹp mắt. Với những ưu điểm như trên nên người dân thường nuôi gà trống thiến để ăn vào những ngày Tết hoặc đem biếu, tặng.

Bà Tạ Thị Thanh, Chi hội trưởng nghề nghiệp nuôi gà trống thiến xã Hòa Hiệp cho biết, ngay từ cuối tháng 5, hơn 20 hộ nông dân nuôi gà trống thiến trên địa bàn ấp Phú Lộc đã lựa chọn gà trống đẹp để chăm nuôi. “Thông thường, gà khoảng 90 ngày tuổi có thể bắt đầu thiến. Khi chọn gà thiến thường chọn những con khỏe, có mào to đẹp, lông vàng, chân vàng đẹp, khâu này chủ yếu lựa chọn bằng cảm quan và kinh nghiệm của người nuôi’, bà Thanh nói.

Chăn nuôi đặc sản đang là hướng đi bền vững giúp nông dân phát triển kinh tế, nên các cấp Hội Nông dân và chính quyền địa phương cũng tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, tư vấn tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vay vốn tín dụng để phát triển các mô hình.

“Có thể khẳng định, việc phát triển các giống vật nuôi đặc sản không chỉ giúp người chăn nuôi tăng thêm thu nhập mà còn cung cấp cho thị trường nhiều loại hàng hóa thực phẩm sạch, chất lượng, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn cho bữa ăn ngày Tết ngon và an toàn”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc Dương Tấn Linh cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - VĂN DUẪN

;
Giải mã khoai môn sấy bao nhiêu calo trong gói 100g
.