Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ nông dân, HTX, tổ hợp tác tiếp cận, kinh doanh nông sản trên sàn thương mại điện tử để kết nối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ và nhung nai của nông dân huyện Xuyên Mộc. |
147 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại
Là chủ sở hữu các sản phẩm mang nhãn hiệu Vinabiomush được chứng nhận OCOP 4 sao, ông Trần Tài (ngụ thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các sản phẩm của Vinabiomush như đông trùng hạ thảo khô, trà túi lọc đông trùng hạ thảo, nước đông trùng hạ thảo và sữa chua đông trùng hạ thảo… đã được đưa lên bán trên Facebook, Zalo, Tiki, Shopee, YouTube. Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân cũng đã hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Bưu điện tỉnh (Postmart.vn) và Viettel Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu (Voso.vn).
“Các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội giúp quảng bá sản phẩm của Vinabiomush đến người tiêu dùng với hiệu ứng rất tốt. Đến nay, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của chúng tôi đã được nhiều người biết đến và số đơn đặt hàng ngày càng nhiều”, ông Tài chia sẻ. Cùng với sản xuất nguyên liệu nấm khô, sản phẩm đông trùng hạ thảo qua chế biến, ông Tài còn hướng đến việc đào tạo kỹ thuật, cung cấp phôi giống, chuyển giao công nghệ… với doanh thu đạt từ 2-3 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Tài, chủ cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo chia sẻ, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, Vinabiomush tiếp tục đổi mới mã bao bì thân thiện với môi trường, tăng độ nhận diện nhãn hiệu với người tiêu dùng. |
Thời gian qua, song song việc duy trì các kênh bán hàng truyền thống, HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, HTX đã chọn một số sàn uy tín như Postmart, Lazada, Shopee để chào bán các loại sản phẩm địa phương như tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu không hạt, bột hoài sơn, sữa hoài sơn, bánh hoài sơn, cà phê hoài sơn… Tất cả đều được đóng gói bao bì mẫu mã bắt mắt, có mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Bầu Mây cho biết, sàn thương mại điện tử thực chất là hình thức bán hàng online nên chỉ cần có điện thoại thông minh được kết nối internet, việc mua-bán hàng trở nên dễ dàng. Điều này giúp HTX thuận lợi hơn khi tiếp cận khách hàng. Được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, đồng thời, HTX cũng dành thời gian tìm hiểu các sàn giao dịch nên sản phẩm đưa lên sàn thuận lợi, mang lại doanh thu ổn định. HTX hiện có 600-700 đơn hàng/tháng được bán online, tăng mạnh so với kiểu bán hàng truyền thống.
Các sản phẩm của nông dân, HTX tham gia sàn thương mại điện tử ngày càng phong phú, đa dạng như hồ tiêu, củ hoài sơn, nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, gạo, rau xanh, mật ong, nhung nai… Đặc biệt, đã có 147 sản phẩm OCOP, hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, các cấp hội nông dân tiếp tục phối hợp sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kết nối, chủ động đưa nông sản lên quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Mảng
|
Tiếp tục hỗ trợ nông dân
Những năm qua, các hộ sản xuất nông nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong tỉnh đã có nhiều thay đổi trong kỹ thuật canh tác, chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học-kỹ thuật và công nghệ. Sự thay đổi của nông dân mở đầu cho thay đổi của cả ngành nông nghiệp địa phương, hướng tới phát triển bền vững.
Nông dân được hướng dẫn từ cách tạo tài khoản, tạo kho hàng, đăng sản phẩm lên để bán, cách mô tả sản phẩm đến kinh nghiệm chốt đơn, xác định đơn hàng, chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành… Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt, tiếp cận với nguồn thông tin về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và bán được ra thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, các hộ nông dân sản xuất giỏi, tổ hợp tác, HTX tiêu biểu với những loại nông sản an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các sản phẩm OCOP được ưu tiên chọn tham gia sàn thương mại điện tử trước. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 383 hộ hội viên nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn hoặc Voso.vn.
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tiêu Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) mở thêm được nhiều kênh phân phối trong và ngoài nước. |
Mỗi nông hộ, mỗi HTX, tổ hợp tác đều có thể mở được một gian hàng số. Tham gia bán nông sản trên sàn thương mại điện tử, nông dân sẽ giảm được chi phí trung gian, giảm chi phí thuê kho, không phụ thuộc thương lái, nâng cao giá trị nông sản.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tham gia tiến trình này. Các cấp hội trong tỉnh cũng đã triển khai chương trình cài đặt, kích hoạt và sử dụng nền tảng số Nông dân Việt Nam cho 21.479 hội viên.
“Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học-kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ bà con ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó sản lượng và chất lượng sản phẩm gia tăng, giá trị sản phẩm cũng nâng lên”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Mảng nói.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG -ĐỨC QUẢNG