Tính đến hết tháng 9/2024, Petrovietnam đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024, về đích trước từ 3-5 tháng. Nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách cao.
Nộp ngân sách nhà nước 115,2 nghìn tỷ đồng
Thông tin từ Petrovietnam, giá dầu thô trung bình tháng 9 và 9 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Cùng xu hướng giá dầu, giá các loại sản phẩm xăng dầu tháng 9 cũng giảm từ 3-8% so với trung bình tháng trước. Ngược lại, giá khí, phân bón, thép có xu hướng tăng. Trong bối cảnh đó, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản trị, các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
9 tháng 2024, sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 7,43 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch 9 tháng; tổng doanh thu ước đạt 736,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 3 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách Nhà nước đạt 115,2 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm, về đích trước 4 tháng, tăng 9%.
9 tháng 2024, sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 7,43 triệu tấn, vượt 20,7% kế hoạch 9 tháng. Trong ảnh: Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. |
Như vậy, đến nay Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Hội đồng Thành viên giao, về đích trước từ 3-5 tháng.
Một số đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng đạt được kết quả ấn tượng trong 9 tháng qua. Chẳng hạn như Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí -PVFCCo (mã DPM). Trong tháng 9, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ tại miền Bắc khiến giao dịch trên kênh thương mại bị đóng băng. Hệ thống phân phối của Tổng công ty phải tập trung phòng chống lũ, hạn chế rủi ro hàng hóa. Trong khi đó, kênh sản xuất giao dịch cầm chừng, không có đột biến. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ…do ảnh hưởng của thời tiết, vụ mùa cũng ảnh hưởng đến việc giao hàng và giá cả. Do vậy, trong nửa đầu tháng 9, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của DPM đạt thấp. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh 8 tháng trước đó khá thuận lợi, giá bán và nhu cầu phân bón phục hồi, nên kết quả kinh doanh của DPM khá tích cực. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ urê Phú Mỹ giai đoạn này ước đạt 75% kế hoạch cả năm, NPK Phú Mỹ đạt 79% năm, NH3 đạt 64%, UFC 85 đạt 77%. Theo đó, doanh thu ước đạt 9.732,1 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 666,5 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm.
Hay như tại Tổng công ty Khoan và dịch vụ Khoan dầu khí (PVDrilling, mã PVD), trong 9 tháng qua, nhờ các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan đã được ký dài hạn, đơn giá cho thuê giàn khoan lại cao hơn kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Do đó mặc dù giá dầu có diễn biến tiêu cực nhưng không bị tác động nhiều. 9 tháng, Tổng công ty đạt doanh thu 6.277 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế 668 tỷ đồng, tăng 54%.
Hiện 4 giàn khoan của Tổng công ty đều hoạt động với công suất tốt, ổn định.
Chuẩn bị đà phát triển cho năm 2025
Tại Hội nghị giao ban thường kỳ với lãnh đạo các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, diễn ra đầu tuần nay, ông Lê Ngọc Sơn- Tổng Giám đốc Petrovietnam nhận định, trong 9 tháng qua, dù đã thực hiện tốt các chỉ tiêu pháp lệnh của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, HĐTV giao; nhiều chỉ tiêu tài chính tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trước bối cảnh đầy thách thức, khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm toàn Tập đoàn để hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 và chuẩn bị đà phát triển cho năm 2025.
Ông Lê Ngọc Sơn đề nghị, các đơn vị tập trung cao độ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, cắt giảm tối đa các hoạt động không trọng yếu. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác an toàn tại các công trình, nhà máy, đảm bảo vận hành hiệu quả, tránh xảy ra các sự cố gây gián đoạn sản xuất. Công tác dự báo cần làm tốt hơn để tận dụng, nắm bắt cơ hội, nhận diện sớm khó khăn.
9 tháng 2024, Petrovietnam đã tiết kiệm chống lãng phí được 2.117 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch tiết giảm năm 2024. Trong đó, tiết kiệm từ nguyên nhiên vật liệu, chi phí quản lý, bán hàng, tài chính... đạt 1.782 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch cả năm; tiết kiệm từ quản lý đầu tư, tối ưu vận hành khai thác, mua sắm trang thiết bị đạt 334,8 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm. |
Ông Lê Ngọc Sơn cũng yêu cầu các đơn vị như: Vietsovpetro, PVEP, BIENDONG POC lên kế hoạch chủ động, tối ưu năng suất, bảo đảm chỉ tiêu về sản lượng, tài chính đề ra; PV GAS, PV Power…tập trung bảo đảm các nhà máy khả dụng tốt, tối ưu chi phí, đẩy mạnh công tác sản xuất đáp ứng tối đa nhu cầu của quốc gia; PVFCCo tính toán đẩy mạnh chuyển đổi sang sản xuất phân hữu cơ để tránh phụ thuộc vào giá nguyên liệu tăng cao...
Liên quan đến công tác sửa đổi một loạt các bộ luật, các đơn vị chủ động bám sát, rà soát, đóng góp ý kiến vào các dự thảo và xác định đây là cơ sở, là tiền đề để hoàn thành tốt kế hoạch 2025 và tầm nhìn dài hạn.
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN