Mặt bằng đắt xắt ra miếng đang về đâu?

Thứ Năm, 24/10/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Rất nhiều mặt bằng trên các tuyến phố kinh doanh sầm uất ở trung tâm TP. Vũng Tàu đóng cửa, chờ đã lâu nhưng chưa có người thuê. Thời của những mặt bằng "đắt xắt ra miếng" liệu còn không?

Mặt tiền đường Lê Hồng Phong mặc dù treo bảng lâu nhưng vẫn chưa có người hỏi thuê.
Mặt tiền đường Lê Hồng Phong mặc dù treo bảng lâu nhưng vẫn chưa có người hỏi thuê.

Đỏ mắt ngóng người thuê

Đi dọc các tuyến đường như Ba Cu, Lê Hồng Phong, Lê Lai, Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu), dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tòa nhà nằm ở mặt tiền nhưng cửa đóng then cài với tấm biển "cho thuê" gắn bên ngoài đã bạc màu theo thời gian.

"Ba tháng rồi mà vẫn chưa có ai thuê, dù tôi đã giảm giá từ 30 triệu xuống còn 25 triệu đồng một tháng. Nếu khách thuê lâu dài, tôi sẵn sàng giảm thêm nữa", ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Ba Cu chia sẻ. Cũng theo ông Tuấn, trước đại dịch COVID-19, căn nhà mặt tiền của ông chưa từng hết người thuê.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên nhiều tuyến đường, trung tâm thương mại và tầng trệt các khu chung cư. Những mặt bằng kinh doanh đóng cửa, trở thành nơi để dán các biển quảng cáo, hoặc chỗ nghỉ chân cho người bán hàng rong. Nhiều chủ nhà đã phải giảm giá sâu, nhưng vẫn không tìm được khách thuê.

Theo thống kê sơ bộ, khoảng 30-40% số mặt bằng kinh doanh trên các trục đường chính của TP. Vũng Tàu đang trong tình trạng "đắp chiếu", chờ người thuê mới. Trong đó, đóng cửa nhiều nhất là các mặt bằng trước đây kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, giày dép... .

Nhiều chủ sở hữu mặt bằng cho biết, suy thoái sau đại dịch ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình kinh doanh. Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử làm thay đổi thói quen mua sắm. Các cá nhân, doanh nghiệp bán lẻ có nhiều lựa chọn hơn về mặt bằng mà không nhất thiết phải thuê mặt tiền đắt đỏ tại các khu phố sầm uất.

Xu hướng này được kiểm chứng từ một khảo sát nhỏ của chúng tôi về thói quen mua sắm của người dân. Hầu hết những người có thu nhập trung bình khá trở lên đều ưu tiên mua sắm online. “Lâu lắm rồi tôi không đi chợ. Càng không đến các tiệm quần áo, mỹ phẩm. Khi cần mua thứ gì, mình đều lên mạng. Có thể phải chịu phí ship, nhưng đổi lại, đỡ tốn thời gian và dễ dàng chọn lựa hàng hóa và đổi trả”, chị Nguyễn Thị Vân Anh (phường 10, TP. Vũng Tàu) cho biết.

Hàng loạt mặt bằng các tuyến đường bỏ trống vì chưa có người hỏi thuê
Hàng loạt mặt bằng các tuyến đường bỏ trống vì chưa có người hỏi thuê

Áp lực bủa vây

Tình trạng mặt bằng trống tại TP. Vũng Tàu đang phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn về những thách thức mà ngành bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt. Ôm mặt bằng đắt đỏ để kinh doanh vào thời điểm này là vô cùng áp lực. Chưa kể các gánh nặng chi phí điện, nước, nhân công...

Để vượt qua khó khăn, nhiều chủ kinh doanh phải thay đổi và thích ứng. Họ kết hợp bán hàng online và offline, chấp nhận chia sẻ mặt bằng và thậm chí chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng không đơn giản. "Chúng tôi buộc phải đóng cửa và chuyển sang bán hàng online bởi doanh thu giảm hơn 50% so với trước dịch, trong khi đó chi phí thuê nhân viên, điện nước đều điều chỉnh tăng, không thể cầm cự được nữa", bà Trần Thị Bảy, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Lai kể.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài, khiến thị trường bán lẻ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí. Thêm vào đó là xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân và sự cạnh tranh gay gắt của phương thức kinh doanh online, khiến kinh doanh truyền thống dựa vào mặt bằng đắc địa trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc, người kinh doanh cần cẩn trọng hơn trong việc thuê mặt bằng để mở rộng đầu tư. 

Về phía các chủ bất động sản và người sở hữu mặt bằng, cũng cần thức thời nhìn nhận để có động thái chia sẻ khó khăn với người kinh doanh, tính đến việc giảm giá cho thuê. Đồng thời, tìm cách cải tiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê, tối ưu hóa công năng sử dụng, cũng như bảo đảm đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Bài, ảnh: NGUYỄN NAM

;
.