Lãi suất cho vay đang trong xu hướng giảm

Thứ Năm, 10/10/2024, 17:51 [GMT+7]
In bài này
.

Đến tháng 9/2024, tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng trưởng 8,39% so với cuối năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (7,38%). Lãi suất cho vay bình quân giảm 0,88%, dư nợ cho vay DN tăng 15,8% so với đầu năm.

Nhân viên HDBank làm thủ tục giao dịch cho khách hàng.
Nhân viên HDBank làm thủ tục giao dịch cho khách hàng.

Nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế

Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc NHNN-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ kinh tế trong và ngoài nước. NHNN-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, kịp thời triển khai chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực. Qua đó, cùng DN, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ngoài việc thực hiện một số chương trình tín dụng nổi bật như gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực bất động sản; gói 60.000 tỷ đồng hỗ trợ lĩnh vực lâm, thủy sản và các gói tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng khác, kịp thời hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất.

Theo bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc VietinBank Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, VietinBank luôn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ DNNVV từ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện nay, VietinBank triển khai các chương trình cho vay DN quy mô nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi từ 5-8%/năm.

Cùng với việc tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cập vốn ưu đãi, VietinBank cũng triển khai chương trình cho vay DN lớn/DN FDI  với lãi suất ưu đãi từ 4-5,5%/năm.

Đặc biệt, từ tháng 6/2024, VietinBank ra mắt tính năng giải ngân và phát hành bảo lãnh online trên nền tảng VietinBank eFAST, nhằm hỗ trợ khách hàng DN giao dịch thuận tiện hơn. Theo đó, hồ sơ mục đích giải ngân, phát hành bảo lãnh được DN tải lên hệ thống internet banking, không cần bổ sung chứng từ giấy cho ngân hàng. Đặc biệt, tất cả hồ sơ được lưu trữ online 100% dễ dàng cho khách hàng trong việc tra cứu, quản lý. Khách hàng được cập nhật liên tục về trạng thái của giao dịch qua email đăng ký với ngân hàng.

Với tính năng này, DN có thể thực hiện giải ngân, phát hành bảo lãnh mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi lãnh đạo DN đi công tác. Nhờ đó, DN tiết kiệm thời gian, chi phí xử lý giao dịch, tiết giảm toàn bộ chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hồ sơ giấy.

Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) tối đa là 4,0%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 6%-10%/năm.
Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%-10%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường, ở mức 7%-12%/năm.
Nguồn: NHNN-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu

 

Ưu tiên vốn cho lĩnh vực động lực tăng trưởng

Các chính sách tín dụng ưu đãi đối với DN, nhà đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh đang được các ngân hàng triển khai đầy đủ và đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, theo phản ánh của NHNN, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, ngoài giải pháp, chính sách từ ngân hàng, các DN, nhà đầu tư cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất-kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính.

Song song đó, cung cấp đầy đủ tài liệu để tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay; thường xuyên cập nhật thông tin và mở rộng giao tiếp với nhiều tổ chức tín dụng khác để lựa chọn đơn vị có mức lãi suất và điều kiện vay vốn phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của mình.

Về phía ngành ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam. Đồng thời, tập trung cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-DN; tiết giảm chi phí để góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay; linh hoạt trong áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, định giá tài sản, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền và ngăn ngừa rủi ro.

Ngoài ra, ngành ngân hàng tăng cường cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa, áp dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
;
.