.
KỶ NIỆM NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA (10/10)

Chuyển đổi số thay đổi phương thức hoạt động chính quyền, doanh nghiệp

Cập nhật: 17:39, 09/10/2024 (GMT+7)
Đó là nhận định của ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Phóng viên: Thưa ông, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả như thế nào?

- Ông Đỗ Hữu Hiền: Năm 2024 với chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tính đến 9 tháng năm 2024, tỉnh đã hoàn thành 29 chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra, đạt 81% kế hoạch năm. Trong đó có nhiều chỉ tiêu nổi bật như: Tỷ lệ sản phẩm OCOP đủ điều kiện được đưa lên sàn thương mại điện tử đạt 100%; Tỷ lệ DN tại các KCN, khu chế xuất ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải đạt 68%; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo sử dụng trợ lý ảo, khai thác dữ liệu từ Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh qua tài khoản được cấp đạt 100%; Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt 86,06%; Thanh toán hóa đơn nước không dùng tiền mặt đạt 85%...

Cùng với đó, từ hơn 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã xuất hiện những DN công nghệ thông tin đầu tiên.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã được tích hợp dữ liệu với nhiều sở, ngành phục vụ cho công tác phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Vận hành tại trung tâm IOC tỉnh.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã được tích hợp dữ liệu với nhiều sở, ngành phục vụ cho công tác phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Vận hành tại trung tâm IOC tỉnh.

Được biết, số hóa các ngành, lĩnh vực cũng rất được quan tâm, ông có thể làm rõ về nội dung này?

- Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các ngành, lĩnh vực đã có những giải pháp triển khai quyết liệt.

Như trong lĩnh vực y tế, đến nay có 100% cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với BHXH sử dụng thẻ CCCD gắn chíp tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh; phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân được triển khai tại 82/82 trạm y tế, đến nay đã lập được hơn 1.070.000 hồ sơ, đạt 91%.

Hay như Sở GT-VT đã triển khai cập nhật số liệu giấy phép lái xe, được đồng bộ về hệ thống IOC của tỉnh theo tần suất hàng tuần, tháng; đồng thời đang tổ chức kết nối Cơ sở dữ liệu vận tải đường bộ, cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với hệ thống IOC của tỉnh theo thời gian thực.

Sở TN-MT hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đất đai của tỉnh (về chủ sử dụng đất); Kết nối phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai (iLand) với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh nhằm tự động hóa nhiệm vụ số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Tỉnh cũng triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành và phần mềm quản lý ngành du lịch. Xây dựng nội dung hướng dẫn sử dụng phần mềm cho cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đồng thời đang hoàn thiện các chức năng thống kê trên Dashboard.

Duy trì, vận hành phần mềm Chỉ đạo điều hành phục vụ chỉ đạo của UBND tỉnh; Nền tảng Phân tích xử lý dữ liệu tỉnh; Trợ lý ảo phục vụ người dân, DN; Trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức. Phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành thử nghiệm hệ thống Giám sát An ninh mạng (SOC).

Đến nay, kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đang được vận hành thử nghiệm để người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Có thể nói, chuyển đổi số đang dần thay đổi hoạt động của chính quyền; sản xuất, kinh doanh của DN và phương thức, lối sống, làm việc của người dân.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ làm gì để thúc đẩy “hành trình” chuyển đổi số tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thưa ông?

- Từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số trong thời qua, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào nhiệm phát triển hạ tầng số nhằm hoạch định chiến lược chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện. Trước mắt, trong quý IV/2024, tỉnh đưa vào vận hành, khác thác 200 trạm thu, phát sóng 5G ưu tiên tại các khu đô thị, du lịch và KCN.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ DN tiếp cận, sử dụng và khai thác các nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam; Khuyến khích DN tham gia vào nền kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các tập đoàn công nghệ, DN trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tạo điều kiện để AI, Blockchain, IoT được thâm nhập sâu hơn vào nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, để các công nghệ này được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn, phục vụ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Một định hướng nữa là, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi các KCN truyền thống thành các KCN kiểu mẫu, thông minh hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Xin cảm ơn ông!

QUANG VINH

(Thực hiện)

 
.
.
.