Đại công trường Bà Rịa-Vũng Tàu - Dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội VII - Kỳ 3: Đột phá từ nghị quyết đến hành động

Thứ Năm, 17/10/2024, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Trong 3 khâu đột phá đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, khâu đầu tiên là “Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới”.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án cầu Phước An vào tháng 4/2024.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án cầu Phước An.

Điều này đã cho thấy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định phát triển giao thông là nhiệm vụ sống còn của địa phương để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bứt phá.

Không thể chậm trễ 

Dấu ấn về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 được minh chứng bằng chủ trương, quyết sách phù hợp, mang tính đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hệ thống chính trị tỉnh đã vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để các dự án được triển khai đúng kế hoạch.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được thi công thần tốc và dự kiến hoàn thiện sớm 3 tháng so với kế hoạch.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được thi công thần tốc và dự kiến vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.

“Việc đầu tư hạ tầng giao thông để nối cảng cửa ngõ với sân bay quốc tế, kết nối các KCN trong vùng với cảng, để khơi thông nguồn hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu là việc phải làm. Đặc biệt, từ khi cụm cảng Cái Mép - Thị Vải dần tăng năng suất, đón những siêu tàu container thì nhu cầu về giao thông liên vùng càng bức thiết. Việc này không thể chậm trễ hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án giao thông trọng điểm mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào hệ thống giao thông kết nối vùng thì không thể mang lại hiệu quả tối đa. Do đó, các dự án đường nội tỉnh cũng phải được thực hiện đồng bộ để trở thành “cánh tay nối dài”, qua đó, phát huy nội lực của các huyện, thị xã, thành phố có định hướng phát triển du lịch, đô thị, kinh tế biển trong tương lai. Chính vì vậy, tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu; tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ vòng xoay QL56 đến đường ven biển và đến vòng xoay đường 3/2, TP.Vũng Tàu được xác định đóng vai trò mấu chốt trong hệ thống này.

Thi công gói thầu 21 thuộc dự án ĐT994, cầu Cửa Lấp 2.
Thi công gói thầu 21 thuộc dự án ĐT994, cầu Cửa Lấp 2.

Cùng với đó, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và đồng thuận của người dân, đặc biệt là những cách làm đột phá, Bà Rịa-Vũng Tàu tạo nên một “guồng quay” đầu tư cơ sở hạ tầng chưa từng có.

Có thể dẫn chứng từ dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trong quá trình triển khai tỉnh đã được các cơ quan chức năng cho phép sử dụng các cơ chế đặc thù, liên quan đến việc chỉ định thầu, cơ chế tài chính linh hoạt, công tác khai thác khoáng sản… Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị với nội dung tháo gỡ các “nút thắt” trong thi công, thúc đẩy tiến độ. Nhờ đó, từ giai đoạn hoàn thiện thủ tục đến thi công, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai thần tốc, với tiến độ “chưa từng có” và cán đích sớm hơn 3 tháng (dự kiến) so với kế hoạch đề ra.

Sau hơn 1 năm thi công, 2 trụ chính cầu T38 và T39 của dự án cầu Phước An đã cơ bản hoàn thành.
Sau hơn 1 năm thi công, 2 trụ chính cầu T38 và T39 của dự án cầu Phước An đã cơ bản hoàn thành.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tiến độ của dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là thành quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như quyết tâm trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh trong cả nhiệm kỳ. “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các bên liên quan, dự án được triển khai nhanh chóng, mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận định.

Gỡ “nút thắt” về giải phóng mặt bằng

“Nút thắt” quan trọng nhất trong giải ngân vốn đầu tư công nói chung, thi công hạ tầng giao thông nói riêng là giải phóng mặt bằng. Do đó, để tạo động lực cho các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Các địa phương phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành việc ký cam kết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh đang thực hiện 36 dự án giao thông trọng điểm. Riêng khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải có 6 dự án giao thông trọng điểm được triển khai gồm: dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; cầu Phước An; đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép; đường Long Sơn-Cái Mép; cải tạo, nâng cấp đường 965; nâng cấp mở rộng đường Hội Bài- Phước Tân. Quy mô đầu tư 6 dự án hơn 17 ngàn tỷ đồng, riêng năm 2024 được giao tổng kế hoạch vốn hơn 3.000 tỷ đồng. Các dự án đã và đang được khẩn trương thực hiện để bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

“Kết quả là ngay trong quý I/2023, các địa phương đã hoàn thành ký cam kết và triển khai nhiều biện pháp giải phóng mặt bằng hiệu quả. Đến nay, đã có 100% đất sạch triển khai dự án cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tạo tiền đề để các nhà thầu thi công vượt tiến độ đề ra”, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.

Theo ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ, để nhận được sự đồng thuận của người dân, địa phương đã huy động hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của các dự án. “Đặc biệt, lãnh đạo địa phương luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp để lắng nghe, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của các hộ dân trong vùng giải tỏa, qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết ngay từ đầu những trường hợp khiếu nại, tranh chấp có thể xảy ra”, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ nói.

Còn tại TP.Vũng Tàu, ông Đoàn Hải Linh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP.Vũng Tàu cho hay, mỗi dự án có một “câu chuyện” đặc thù về giải phóng mặt bằng. Ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng của thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân nhưng do nhiều nguyên nhân, không phải dự án nào cũng có đất sạch để triển khai.

“Do đó, với trường hợp không hợp tác, bàn giao mặt bằng, thành phố buộc phải tiến hành thủ tục cưỡng chế theo quy định, để từ nay đến cuối năm triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra. Đến nay, các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố cơ bản được triển khai thuận lợi”, ông Linh nói.

TRÀ NGÂN - QUANG VINH

;
.