Đại công trường Bà Rịa-Vũng Tàu - Dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội VII - Kỳ 1: Khí thế trên những công trình lớn

Thứ Ba, 15/10/2024, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Xây dựng hạ tầng giao thông với phương châm "đi trước mở đường" được xem là mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế - xã hội và là ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng được xem là một trong các đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh. Chiến lược này đã dần hiện thực hóa khi Bà Rịa-Vũng Tàu đang trở thành một "đại công trường" với hàng trăm dự án giao thông được triển khai cùng lúc.  

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát tiến độ dự án cầu Phước An.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát tiến độ dự án cầu Phước An.

Chưa bao giờ, Bà Rịa-Vũng Tàu cùng lúc triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng như hiện nay. Với sự đồng lòng và nỗ lực cao nhất, các con đường, cây cầu tầm cỡ đang dần thành hình.

Làm cao tốc với tinh thần “cấp tốc”

Đây là nhận xét của lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia khi khảo sát dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Chỉ sau hơn một năm thi công, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành hình, nhiều dự án thành phần vượt tiến độ so với kế hoạch.

Ngày 15/6/2022, Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bằng nguồn vốn ngân sách. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp để rà soát các điều kiện về tái định cư, vật liệu khi làm cao tốc. Các thủ tục cần thiết để triển khai dự án cũng được cấp tập xúc tiến. Đúng 1 năm sau, tháng 6/2023 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công.

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Dương Hồng Quân, Phó Giám đốc điều hành dự án Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu thi công chia sẻ: “Từ những ngày đầu làm việc với chính quyền địa phương, Sơn Hải đã nhận được sự hỗ trợ tối đa. Chúng tôi nhận thấy quyết tâm cao nhất, sự đồng lòng từ lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư, các địa phương cho đến từng người dân trong việc triển khai dự án quan trọng này”.

Nhận được sự hỗ trợ tối đa của tỉnh, các nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu như được tiếp động lực. Trên công trường, dù là sáng sớm hay chiều muộn, thanh âm của máy san, ủi đất, hay của những chiếc xe tải lớn vận chuyển vật liệu luôn “rền vang”. Các đội thi công chia thành nhiều mũi, phối hợp nhịp nhàng để triển khai nhiều phần việc cùng lúc.

Công nhân trên công trường đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Công nhân trên công trường đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Một điểm nhấn của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là hệ thống 11 cầu vượt ngang. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 đảm nhận 2 và Công ty CP 479 Hòa Bình đảm nhận thi công 9 cầu vượt.

Để thi công những cầu vượt này, cần những chiếc cần cẩu lớn nâng các khối dầm bê tông để lắp đặt cầu. Cùng với đó là sự đồng bộ trong việc san lấp mặt bằng. Với hệ thống máy móc tiên tiến, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thi công, những cây cầu vượt ngang dần thành hình vượt tiến độ đề ra.

Với những nỗ lực của các nhà thầu, sự hỗ trợ, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được xây dựng với “tốc độ cao tốc”. Tới thời điểm này, dự án đã đạt 50% khối lượng công việc. Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải khẳng định, đơn vị thi công cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 4/2025. Dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 9/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Cây cầu của những kỷ lục

Cầu Phước An cũng là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai. Cầu có tổng chiều dài hơn 4,3km, tổng vốn đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, nối Bà Rịa-Vũng Tàu với cảng Phước An, tỉnh Đồng Nai. Cầu bắc qua sông Thị Vải, khi đưa vào khai thác sẽ kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành; TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đặc biệt, cầu Phước An giúp rút ngắn khoảng 30km đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại.

Xác định tính chất quan trọng của cầu Phước An, chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ của dự án. Ông Lê Hữu Hiến, Chỉ huy thi công của liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 (IDIC 620) và Công ty CP 479 Hòa Bình được giao gói thầu 38 của dự án cho biết, đã gặp nhiều thách thức từ khi khởi công, từ việc chưa có mặt bằng “sạch” hoàn toàn, cho đến điều kiện thi công phức tạp trên địa hình sông nước.

Thi công phần cầu tại dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Thi công phần cầu tại dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

“Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn của các đơn vị thi công, chúng tôi đã vượt qua khó khăn. Hiện tại, các phần việc do chúng tôi thi công đang tiến triển đúng và vượt tiến độ, với các mốc quan trọng như việc lắp đặt các trụ cầu chính đã hoàn thành”, ông Hiến nói.

Còn ông Triệu Văn Toàn, Đội phó Đội thi công dự án thông tin thêm, sau 16 tháng thi công, cầu Phước An nối Bà Rịa-Vũng Tàu đã vượt tiến độ khoảng 70 ngày so với kế hoạch đề ra. “Với tiến độ và nhân lực như hiện tại, cộng với việc các công nhân, kỹ sư làm việc “3 ca 4 kíp”,  dự án này có thể thông xe sớm 1 năm”, ông Toàn dự báo.

Những ngày đầu tháng 10/2024, tin vui đã đến khi sau nhiều nỗ lực của chính quyền tỉnh Đồng Nai, phần đường dẫn vào cầu Phước An thuộc địa bàn tỉnh này đã được bàn giao mặt bằng. Ngay lập tức, nhà thầu tiến hành phát quang cây cối để triển khai thi công các trụ cầu cạn, qua đó, càng củng cố kỳ vọng hoàn thành sớm trước thời hạn dự án này. 

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và cầu Phước An là 2 trong nhiều “đại dự án” giao thông trọng điểm, không chỉ của Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Cộng thêm các con đường kết nối liên vùng, định hình trục phát triển của địa phương như Đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận (ĐT994), đường liên cảng Phước Hòa-Cái Mép…

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế tỉnh. Các tuyến vận tải liên vùng, vành đai, tuyến kết nối trực tiếp đến các cảng biển chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, chủ trương đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng của tỉnh là đúng đắn và cấp thiết.

Một điểm chung dễ nhận thấy là với sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các cấp, chủ đầu tư, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà thầu, công tác thi công của các nhà thầu đều vượt tiến độ đề ra. Từ đó, các con đường, nhịp cầu kỳ vỹ đang dần thành hình, sẵn sàng định hình cho tương lai phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu và cả khu vực.

(Còn nữa)

 Bài, ảnh: TRÀ NGÂN - QUANG VINH

 
;
.