Công nghệ hữu ích cho ngành thủy sản

Thứ Hai, 14/10/2024, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều giải pháp công nghệ hữu ích, có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản năm nay.

Cán bộ Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn chủ tàu cá khai báo thủ tục xuất bến, nhật ký khai thác điện tử trên App điện thoại di động.
Cán bộ Văn phòng kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) hướng dẫn chủ tàu cá khai báo thủ tục xuất bến, nhật ký khai thác điện tử trên App điện thoại di động.

Giải pháp xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản

Nhóm tác giả Huỳnh Công Tấn của Công ty TNHH Wesolife tham gia cuộc thi với dự án “OxyBoost - Đưa Oxy đến từng giọt nước”. OxyBoost được thiết kế để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nước: nhu cầu cung cấp oxy hòa tan vào nước một cách hiệu quả và kinh tế.

Ông Tấn cho biết, các hệ thống thông thường đòi hỏi áp suất vận hành cao, gây lãng phí năng lượng và làm tăng chi phí hoạt động. Trong khi đó, OxyBoost với công nghệ dòng khí xoắn và khả năng hoạt động ở áp suất thấp, giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng mà vẫn đảm bảo hiệu suất cung cấp oxy cho ao nuôi. Đồng thời, nó giúp cải thiện chất lượng nước, hỗ trợ sự phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản và nâng cao hiệu quả xử lý nước thải.

Theo đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi, điểm độc đáo và sáng tạo của thiết bị OxyBoost nằm ở thiết kế cánh khí xoắn, tạo ra dòng khí xoáy khi hòa trộn vào nước. Thiết kế này cho phép tạo ra các vi bọt khí nhỏ, đồng đều và hiệu quả hơn, giúp tối ưu hóa quá trình hòa tan oxy mà chỉ cần áp suất vận hành thấp, từ 0.5 bar.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, chủ tàu cá ở phường 12, TP. Vũng Tàu đang khai báo thông tin xuất bến qua App trên điện thoại di động ở cảng cá Cát Lở.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, chủ tàu cá ở phường 12, TP. Vũng Tàu đang khai báo thông tin xuất bến qua App trên điện thoại di động ở cảng cá Cát Lở.

Ngoài ra, OxyBoost được thiết kế dưới dạng linh kiện rời, có thể lắp đặt trực tiếp vào các phụ kiện T nhựa có sẵn trên thị trường. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn mang lại tính linh hoạt cao trong quá trình lắp đặt và bảo trì. Người nuôi trồng thủy sản có thể dễ dàng tích hợp sản phẩm vào các hệ thống hiện có mà không cần điều chỉnh lớn, đồng thời tăng khả năng tương thích với nhiều hệ thống khác nhau.

Bên cạnh đó, sản phẩm có giá thành thấp từ 189 - 890 nghìn đồng tùy thiết bị với mức lưu lượng nước xử lý từ 2-100 m³/giờ, nên có tính thương mại hóa cao, được người nuôi trồng thủy sản trên cả nước ưa chuộng.

“Sau khi bảo hộ sáng chế, chúng tôi định hướng mở rộng xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhằm đưa OxyBoost trở thành một giải pháp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cung cấp oxy”, ông Tấn chia sẻ.

Ngư dân đang vào phần mềm GeoAI để kiểm tra thông tin, hoàn thiện nhật ký khai thác điện tử. Hiện BR-VT đang có khoảng 1.000 tàu cá sử dụng App GeoAI để thực hiện khai báo nhật ký khai thác điện tử.
Ngư dân đang vào phần mềm GeoAI để kiểm tra thông tin, hoàn thiện nhật ký khai thác điện tử. Hiện BR-VT đang có khoảng 1.000 tàu cá sử dụng App GeoAI để thực hiện khai báo nhật ký khai thác điện tử.

Chuyển đổi số hoạt động đánh bắt

Bên cạnh các công nghệ sáng tạo mới, việc ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử đang là yêu cầu cấp bách của ngành thủy sản để minh bạch hóa sản lượng khai thác, tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU trong lần thanh tra sắp tới của Ủy ban châu Âu.

Nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Anh của Công ty TNHH GeoAI Việt Nam đã mang đến cuộc thi giải pháp phần mềm “Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý tàu cá tại cảng và hỗ trợ các hoạt động của ngư dân trên biển, chống khai thác IUU”.

Giải pháp này số hóa dữ liệu, đưa tất cả các dữ liệu tại cảng cá về dạng số, kết nối và lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, gồm: hồ sơ giấy phép hoạt động của cảng, hồ sơ tàu cá ra - vào cảng, dữ liệu giám sát hành trình, nhật ký khai thác điện tử, sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng, dữ liệu về ngư trường, khí tượng thủy văn trên biển, hệ thống văn bản, quy định, chính sách có liên quan…

Giải pháp thực hiện chuyển đổi số, đưa các dữ liệu số và quy trình số vào giải quyết từng công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong thực tế, tạo ra một quy trình tuần hoàn khép kín, có thể kết nối từ xa bằng công nghệ số. Chủ tàu, thuyền trưởng, nhân viên cảng cá có thể thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại, máy tính.

Các bước thực hiện đều được xác thực qua tài khoản định danh hồ sơ tàu và lưu lại các dấu vết giao dịch làm bằng chứng, bao gồm từ khâu tạo lập tài khoản hồ sơ tàu cá cho đến khai báo và xin cấp phép xuất, nhập bến, các hoạt động khai thác hải sản trên biển, tạo mã QR-Code truy xuất nguồn gốc từng mẻ lưới.

Phần mềm còn giúp ngư dân phân tích sản lượng khai thác từng chuyến biển, hỗ trợ dự báo ngư trường, tổng hợp và cập nhật các dữ liệu mới phục vụ cho các chuyến đi biển tiếp theo, chiết xuất các báo cáo phục vụ quản lý theo quy định. Đồng thời, phần mềm còn hỗ trợ các cơ quan chấp pháp trong công tác giám sát, tuần tra trên biển, kiểm tra phát hiện vi phạm của tàu cá.

Giải pháp này có tính hữu ích cao cho ngành thủy sản, hiện đang được ứng dụng trên thiết bị di động mang theo tàu ra biển cho gần 30 nghìn ngư dân trên cả nước. Trong hơn 1.000 ý kiến phản hồi, hầu hết đều khẳng định áp dụng hiệu quả trong thực tế.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, ông Trần Thái Sơn đánh giá: Các dự án, giải pháp, ý tưởng tham gia cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm nay có chiều sâu, tính hữu ích, áp dụng vào thực tế cao, sản phẩm gắn liền thế mạnh địa phương nhưng có tầm nhìn quốc tế. Sau 5 năm tổ chức, cuộc thi đã có độ lan tỏa cao, nhiều nhóm tác giả đã lặn lội từ Hà Nội, Cà Mau vào tham gia cuộc thi, và thu hút được nhiều thành phần xã hội tham gia, từ học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp và các chuyên gia từ các viện, trường trên cả nước.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 

;
.