Giá ca cao trên địa bàn tỉnh đang tăng mạnh, hiện ở mức 10.000-11.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Người trồng có lãi cao nên rất phấn khởi.
Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức kiểm tra chất lượng trái ca cao tại vườn. |
Nông dân phấn khởi
Ông Phan Thành Huy (ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) có 6 sào trồng ca cao phấn khởi thông tin, với giá HTX thu mua 11.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 20 triệu đồng. “Số cây giống ca cao này được Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ, cùng với phân bón nên tôi hầu như chỉ tốn công chăm sóc. Ngoài ra, Phòng NN-PTNT còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên cây ca cao phát triển tốt và cho sản lượng ổn định”, ông Huy nói.
Tương tự, ông Trần Như Phong (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) có 1,2ha ca cao đang canh tác theo hướng hữu cơ, cho thu hoạch ổn định. Sản lượng đạt khoảng 15 tấn trái tươi. Vụ này, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 100 triệu đồng, cao hơn gấp 2 lần so với phương pháp trồng ca cao truyền thống.
Đây cũng là niềm vui chung của những hộ trồng ca cao trên địa bàn huyện khi vào mùa thu hoạch, khi giá ca cao có chiều hướng tăng.
Ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức cho biết, HTX có 97 hộ thành viên, đang canh tác hơn 100ha ca cao. Nếu canh tác tốt, ca cao trên 6 năm tuổi có thể đạt 3 tấn trái tươi/sào. Giá hạt ca cao lên men trên thị trường đang tăng cao nên giá trái tươi cũng tăng cao, bởi nguyên liệu khan hiếm. HTX đã liên kết với một số DN như Công ty CP Socola Marou, Công ty CP Vua Thực Phẩm (TP.Hồ Chí Minh); Công ty Binon Ca cao… để thu mua hạt ca cao lên men.
“Năm nay bà con rất phấn khởi, vì mới vào mùa nhưng giá ca cao tươi đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. HTX Ca cao Châu Đức có nhiều đơn hàng từ đối tác, nhưng cung không đáp ứng đủ cầu. Vì vậy, ca cao của bà con thu hoạch đến đâu đều được HTX thu mua hết đến đó, không lo về đầu ra và giá cả”, ông Lê Ngọc Cần chia sẻ.
Nông dân xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) thu hoạch ca cao. |
Xây dựng vùng ca cao bền vững
Cây ca cao đã bén rễ tại huyện Châu Đức khoảng 20 năm, đây là địa phương có vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất của tỉnh. Diện tích trồng ca cao của huyện Châu Đức cũng tăng mạnh từ khoảng 300ha trước năm 2020 lên 600ha, tập trung tại các xã: Bình Giã, Bình Trung, Xà Bang, Kim Long, Quảng Thành…
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, xác định ca cao là cây trồng chủ lực của huyện Châu Đức, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển cây ca cao. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ cây giống, phân bón cho bà con nông dân, chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 5 tỷ đồng; tìm kiếm, kêu gọi DN hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao để phát triển cây ca cao cho nông dân… Qua đó nhằm phát triển cây ca cao theo hướng bền vững, đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng.
Hiện nay, sản phẩm ca cao của huyện đã được nhiều công ty trong và ngoài nước thu mua để xuất khẩu. Ngoài ra, một số DN liên kết thu mua trái ca cao tươi của nông dân để sản xuất các sản phẩm như bột ca cao, kẹo socola, rượu ca cao, trà ca cao, nước ép ca cao…
Bài, ảnh: SONG BÌNH