Petrovietnam trong chiến lược điện gió ngoài khơi

Chủ Nhật, 08/09/2024, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Xu thế chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh đã đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết cho Petrovietnam vươn ra các dự án điện gió ngoài khơi.

Lễ trao nhận giấy phép khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cho liên danh PTSC - Sembcorp.
Lễ trao nhận giấy phép khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cho liên danh PTSC - Sembcorp.

Cơ hội xuất khẩu điện gió ngoài khơi

Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí- PTSC (thành viên của Petrovietnam) tham gia vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi được 3 năm nay. Đến nay, DN này trúng thầu hơn 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất phát điện là 5.200MW, tổng giá trị hợp đồng hơn 1,2 tỷ USD; tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 4.000 lao động.

Đây cũng là DN duy nhất của Việt Nam trúng các gói thầu quốc tế thi công chân đế điện gió ngoài khơi, trạm biến áp điện gió cho các chủ đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều chân đế, cấu kiện cơ khí do PTSC chế tạo được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Bắc Âu.

Đáng chú ý, cuối tháng 8 vừa qua, PTSC và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore đã tổ chức Lễ trao thầu gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất cho Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore.

Đây là Dự án hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng sạch. Dự án được khởi động đầu năm 2023, khi hai bên ký thỏa thuận phát triển chung (JDA) về hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sạch sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam. Đây cũng là dự án thí điểm của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường an ninh năng lượng của quốc gia và khu vực.

Việc thực hiện thành công gói thầu này sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ cho việc thiết kế, thi công và vận hành trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến 2.300MW; xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế xuyên biển… Theo PTSC, ngay sau khi các cơ quan chức năng hỗ trợ, PTSC sẽ khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại trước năm 2035.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh, dự án là bước tiến mạnh mẽ trong việc góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng không vào năm 2050, phản ánh rõ nét sự quyết tâm trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050, tổng công suất điện gió ngoài khơi đạt 70.000 - 91.500 MW.

Petrovietnam hiện có đội ngũ nhân lực gần 60.000 người lao động chất lượng cao có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu EPCI, nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi. Trong ảnh: Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch.
Petrovietnam hiện có đội ngũ nhân lực gần 60.000 người lao động chất lượng cao có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu EPCI, nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi. Trong ảnh: Người lao động BIENDONG POC tiến hành bảo dưỡng thiết bị trên giàn Hải Thạch.

Cùng với PTSC, Vietsovpetro cũng là một trong những đơn vị được xác định có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tham gia vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Bởi, Vietsovpetro đang sở hữu nguồn lực tài chính tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu rõ về công nghệ ngoài khơi, có trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp, hệ thống cảng biển, dịch vụ logistic, đội tàu dịch vụ…

Phát huy thế mạnh của Petrovietnam

Thời gian qua, Vietsovpetro, PTSC... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi trên thế giới. 

Lãnh đạo Petrovietnam khẳng định, điểm mạnh của Petrovietnam khi tham gia chuyển dịch năng lượng nói chung và đặc biệt là điện gió ngoài khơi nói riêng, đó là Petrovietnam là DN duy nhất ở Việt Nam có các dữ liệu địa chất đáy biển quốc gia được thu thập và lưu trữ trong quá trình khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Đây là các hạng mục công việc thực hiện thường xuyên trong hoạt động dầu khí và nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi.

Petrovietnam đang tham gia tích cực chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trong ảnh: Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi  tại cảng PTSC.
Petrovietnam đang tham gia tích cực chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trong ảnh: Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.

Ngoài ra, Petrovietnam sở hữu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị gần như hoàn thiện để phục vụ lĩnh vực điện gió ngoài khơi với các cảng và bãi chế tạo quy mô lớn như: cảng Sao Mai - Bến Đình, Vietsovpetro, PTSC M&C, PVShipyard, Dung Quất, Nghi Sơn, Đình Vũ.  Các đơn vị của Petrovietnam như: PTSC, Vietsovpetro, PVTrans ... hiện đang sở hữu, quản lý đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại. Cùng với đó, Petrovietnam có đội ngũ nhân lực gần 60.000 người lao động chất lượng cao có thể làm chủ đầu tư, tổng thầu EPCI, nhà thầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ các dự án ngoài khơi.

Đặc biệt, Petrovietnam còn có năng lực tài chính mạnh, quản trị nhiều dự án có số vốn lớn, có sự liên kết tương hỗ trong chuỗi giá trị dầu khí, có quan hệ hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, có nhiều cơ hội hợp tác, tiếp thu tri thức, công nghệ về chuyển dịch năng lượng tiên tiến trên thế giới.

Như vậy, với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 599.000 MW.

Khi nguồn năng lượng mới được khai thác hiệu quả, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

 
;
.