Khi các địa phương đang cấp tập phổ biến việc phân loại rác tại nguồn thì từ 5 năm trước, chính quyền xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã áp dụng mô hình này tại một số trường học trên địa bàn xã và dần nhân rộng ra các khu dân cư.
Lực lượng tình nguyện viên LSP thực hiện phân loại rác tại nguồn trong sự kiện ngày quốc tế làm sạch bờ biển diễn ra sáng 21/9 tại xã Long Sơn. |
Đã thành thói quen
Ngày 21/9, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) phối hợp với UBND TP.Vũng Tàu tổ chức sự kiện “Ngày quốc tế làm sạch bờ biển 2024” tại xã Long Sơn. Trong số hơn 140 tình nguyện viên có nhiều em học sinh tiểu học.
“Vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, chúng em được thầy cô trong trường hướng dẫn và nhắc nhở thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nhờ đó, em rất ý thức trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải và thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác tại nguồn”, Em Phan Lê Lan Thanh, học sinh lớp 4.1 trường Tiểu học Long Sơn 2 cho biết.
Lãnh đạo xã Long Sơn và đại diện LSP tham gia nhặt rác tại khu vực kênh mương xã Long Sơn. |
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Long Sơn cũng hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Chị Nguyễn Thị Lùn (tổ 13, thôn 1, xã Long Sơn) cho biết, thay vì bỏ chung một giỏ rác như trước đây thì rác thải sinh hoạt được chị Lùn phân làm 3 loại. Cụ thể, bìa carton, giấy, lon bia chị cho vào một giỏ riêng để đổi rác lấy quà hoặc bán cho các vựa thu mua ve chai. Các rác hữu cơ chị gom cho nhà hàng xóm ủ phân để bón cho cây hoa màu trong vườn. Các loại rác còn lại chị bỏ vào giỏ mây, cứ hai ngày thì đưa ra cổng cho đơn vị thu gom rác đến lấy.
Chị Lùn cho hay: “Xưa giờ nhặt rau xong là bỏ hết nhưng khi được xã hướng dẫn, tui ủ thành phân. Vừa sạch sẽ, bớt rác cho người thu gom lại vừa có phân hữu cơ để bón cho cây hoa màu trong vườn”.
Các em học sinh trường Tiểu học Long Sơn 2 thực hiện phân loại rác tại nguồn. |
Phát biểu tại lễ ra quân “Ngày quốc tế làm sạch bờ biển 2024”, ông Piboon Sirinantanakul, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc sản xuất LSP cho biết, ngoài hoạt động thu gom rác, LSP còn phát động chương trình “Rác không thải” hay “nhiệm vụ giải cứu rác” nhằm phân loại rác tại nguồn.
Chương trình bắt đầu bằng việc tạo ra các mô hình phân loại rác tại nguồn cho trường học và cư dân thôn 1 xã Long Sơn. Tính đến năm 2024, công ty đã mở rộng đến 5 trường học và nhiều khu vực khác trên địa bàn xã Long Sơn. Đến nay, hơn 18.000kg rác tái chế đã được thu gom và đưa trở lại quy trình tái chế.
Xây dựng Long Sơn trở thành “điểm chuẩn”
Theo ông Hà Hữu Dũng, Bí thư xã Long Sơn, sau khi thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn thành công tại thôn 1, từ tháng 2/2023, xã Long Sơn đã triển khai công tác phân loại rác thải và giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy trên địa bàn toàn xã. Mục tiêu của Long Sơn là để cư dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác; phấn đấu khối lượng rác thải tái chế được thu hồi đạt tỷ lệ 80-90%.
Để đạt được kết quả này, xã Long Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) và DN xã hội mGreen hướng dẫn người dân cách phân loại rác; phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo từng loại; kêu gọi, vận động nhân dân và các tổ chức tham gia công tác phân loại rác tại nguồn. Đồng thời huy động các nguồn lực tại địa phương để triển khai nhiệm vụ phân loại rác thải… Đến nay, phân loại rác tại nguồn được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Ở cấp độ thành phố, theo ông Phạm Quốc Huy, Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, thành phố đã xây dựng kế hoạch phân loại rác thải nhựa và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố trong giai đoạn đầu. Trong đó Long Sơn là địa phương đi đầu và trở thành “điểm chuẩn” trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã đến Long Sơn để học hỏi mô hình, cách thức thực hiện.
Ông Huy cho biết thêm, mục tiêu của thành phố trước mắt là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, trường học, DN, người dân trong bảo vệ môi trường đối với việc phân loại rác thải nhựa, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đến năm 2025, toàn bộ người dân có nhận thức về việc phân loại chất thải nhựa đạt tỷ lệ 100%.
“Khi hạ tầng đồng bộ từ đầu nguồn đến cuối nguồn thì người dân xã Long Sơn nói riêng, Vũng Tàu nói chung sẽ sẵn sàng tham gia vào chuỗi hoạt động này một cách chủ động, đúng quy định và đúng quy trình”, ông Huy nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ