Hướng tới mục tiêu trung hòa carbon

Chủ Nhật, 15/09/2024, 16:08 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố, trao chứng nhận điểm đến trung hòa carbon cho Suối Rao Ecolodge, huyện Châu Đức. Được biết đây là khu du lịch đầu tiên của Bà Rịa-Vũng Tàu đạt chứng nhận này.

Có rất nhiều thắc mắc xung quanh khái niệm trung hòa carbon (carbon neutral) bởi thuật ngữ này mới chỉ được nhắc đến trong vài năm trở lại đây. Thuật ngữ được đưa vào Từ điển Oxford năm 2006 và kể từ đó đã trở thành một thuật ngữ chính thống. Theo đó, carbon neutral hay trung hòa carbon là trạng thái mà một tổ chức, hoạt động hay sản phẩm không làm tăng tổng lượng carbon dioxide (CO2) thải ra khí quyển hoặc đơn giản hơn là loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon. Như tại Suối Rao Ecolodge, hơn 95% diện tích được bao phủ bởi cây xanh với khoảng 700 loài, đặc biệt có 18 loài cây gỗ quý hiếm của Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra ở đây còn có khoảng 300 loại dược liệu, cỏ cây hoa lá, chim chóc tạo nên sự đa dạng sinh học.

Theo công bố của 3AI sau khi nghiên cứu, đo đạc, tính toán lượng CO2 phát thải, theo dõi diễn biến động lượng carbon theo thời gian, tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge 1.558,86 tấn/6 năm (tương đương 260 tấn/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Kết quả này cũng cho thấy, các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge chỉ tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.

Không chỉ Suối Rao Ecolodge, việc thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải carbon... là xu hướng mà các DN hiện nay đang nỗ lực thực hiện. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều DN tiên phong triển khai giảm phát thải carbon ra môi trường như dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; Heineken Việt Nam…

Đặc biệt, như tại Heineken Việt Nam, tập đoàn này đã công bố mục tiêu hướng tới không phát thải carbon trong hoạt động sản xuất vào năm 2030, và trong toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2040. Nhờ tiếp tục quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, DN này cũng đã giảm đến 93% lượng khí thải carbon so với năm 2018. Cùng với đó, nhờ nỗ lực áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, Heineken Việt Nam tiếp tục giữ vững cam kết không rác thải chôn lấp tại toàn bộ các nhà máy, đồng thời tăng cường tỷ lệ thu gom và tái chế bao bì. Tỷ lệ này năm 2023 đang ghi nhận lần lượt là 97% cho chai thủy tinh và 99% cho két nhựa.

Tuy nhiên, dù trung hòa carbon đang là một xu hướng tất yếu nhằm thực hiện mục tiêu Netzero vào năm 2050, nhưng việc triển khai áp dụng vẫn còn gặp khá nhiều rào cản cần tháo gỡ từ vốn, công nghệ, tăng tỷ lệ cây xanh và thậm chí cả về tư duy, nhận thức của mỗi DN.

NGÔ GIA

;
.