Đưa khoa học, công nghệ mới đến với nông dân

Thứ Tư, 04/09/2024, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Cán bộ, hộ viên nông dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) được tập huấn thực tế kỹ thuật trồng và chăm sóc  cây sầu riêng.
Cán bộ, hộ viên nông dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) được tập huấn thực tế kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng

Bà Lê Thị Hà Đông, hội viên nông dân ấp Tân Hòa, xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) cho biết, gia đình bà hiện có 5 sào sầu riêng đang cho thu hoạch. Trồng sầu riêng đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật phân bón, xử lý, phòng ngừa các loại bệnh gây hại cho cây như: bệnh nứt thân xì mủ, bệnh cháy lá và rầy xanh.

“Tham dự các buổi hội thảo, tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức, tôi đã nắm chắc những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chọn giống, cách trồng và chăm sóc cây sầu riêng, bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; cách phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng, kỹ thuật tỉa cây, chăm sóc trái, thu hoạch và chăm sóc cây sau thu hoạch… Nhờ đó, 2 năm qua, vườn sầu riêng của gia đình tôi cho năng suất khá cao”, bà Đông chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Trường, ở xã Bình Giã (huyện Châu Đức) đang canh tác gần 1ha ca cao. Thời gian qua, do ảnh hưởng thời tiết, vườn ca cao của gia đình ông có một số cây bị sâu đục thân, cháy lá, khô trái trên cây. Trước băn khoăn của ông Trường và bà con nông dân, Phòng NN&PTNT huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Nông dân, HTX Ca cao Châu Đức và Công ty CP Socola Marou (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, canh tác cây ca cao bền vững. Tại buổi tập huấn, nông dân được giải đáp nguyên nhân gây bệnh trên cây ca cao; hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến, tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ…

Trao đổi về việc đưa khoa học kỹ thuật đến với HTX, hội viên nông dân, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Đức cho biết, những năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp của huyện được hỗ trợ cây-con giống; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho trái sầu riêng, thanh long, hồ tiêu… Ngoài ra, huyện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây ca cao, quy mô lớn với diện tích khoảng 500ha.

Thời gian qua, huyện đã phối hợp với các sở ngành của tỉnh tổ chức hội thảo, tập huấn nhằm trang bị thêm cho nông dân kiến thức khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; nông dân chủ động phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học, quy mô lớn hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Giúp nông dân làm chủ sản xuất

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới, thì việc trang bị kiến thức là cách để nông dân được tiếp cận nhanh, hiệu quả.

Giám đốc HTX Dưa lưới Long Tân Trương Văn Hậu cho biết, bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận công nghệ mới vào sản xuất là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại.

Để giúp HTX, hội viên nông dân tiếp cận, nắm bắt công nghệ mới và làm chủ sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên nông dân, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng tổ chức hàng chục lớp trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho hơn 1.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cho 800 hội viên nông dân tham gia; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện thực hiện cơ chế liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, DN và Nhà nước.

“Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải có những người nông dân làm chủ được khoa học - công nghệ. Đưa khoa học - công nghệ đến với nông dân sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Mai Minh Quang cho biết.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - HỒNG NAM

 
;
.