Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Cơ hội lớn cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Thứ Ba, 17/09/2024, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Dự án “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư, chuyên gia.

Thu hút hàng trung chuyển quốc tế

TP.Hồ Chí Minh vừa trình Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ lên Thủ tướng Chính phủ. Nằm tại cửa sông Cái Mép - Thị Vải (CM-TV), trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông nên vị trí khu bến Cần Giờ thuận lợi để đầu tư phát triển, thu hút hàng trung chuyển quốc tế.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đánh giá từ Bộ GT-VT cho thấy, nếu khu bến cảng Cần Giờ được đầu tư, cự ly vận chuyển hàng trung chuyển quốc tế đến cảng giảm khoảng 30 - 70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore.

Đề án cũng chỉ rõ thuận lợi của khu bến cảng Cần Giờ có vị trí sát tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải có độ sâu khoảng 15,5m, đã tiếp nhận thành công tàu đến 232.494 tấn (24.188 TEU) giảm tải. Khu vực này có chế độ thủy hải văn ổn định, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, an toàn cho hoạt động khai thác cảng.

Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ được đề xuất với mục tiêu khai thác phần lớn là hàng trung chuyển quốc tế do hãng tàu MSC (một trong 2 đơn vị đề xuất đầu tư cảng trung chuyển Cần Giờ) mang từ các nước khác về, tạo nên sự khác biệt lớn về phân khúc thị trường so với các cảng trên cả nước hiện nay.

Tạo sức bật cho Cái Mép - Thị Vải

Từ góc nhìn của chuyên gia tư vấn, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (Portcoast) phân tích, đến nay chưa có hãng tàu nào đề xuất đầu tư cảng trung chuyển tại CM-TV. Trong khi cảng Cần Giờ do hãng tàu MSC đề xuất tập trung chủ yếu vào hàng trung chuyển quốc tế theo mạng lưới vận tải biển của hãng này.

Mặt khác, Đề án cho thấy cảng Cần Giờ được đầu tư xây dựng với mục tiêu tạo một “hub port” (trung tâm trung chuyển hàng hóa) cho tàu mẹ (sức chở 18.000 - 24.000 TEU). Từ đó phân phối nguồn hàng đi khắp thế giới góp phần nâng cao vị thế cảng biển Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động trung chuyển giữa các trung tâm khác trên thế giới. Theo Đề án, nguồn hàng của cảng CM-TV và Cần Giờ hoàn toàn riêng biệt, thậm chí hai cảng có thể bổ trợ cho nhau tạo thành một hệ thống cảng biển cho toàn vùng.

“Phải đặt trong mối lợi ích chung của vùng, quốc gia. Không nên có suy nghĩ CM-TV của Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ của TP.Hồ Chí Minh mà đây là 1 hub về hệ thống cảng 2 bên bờ sông CM-TV của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Nếu khai thác tốt, hệ thống này sẽ nhanh chóng tạo sức bật kinh tế biển rất lớn”, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, triển khai dự án “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cần thiết, với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, đưa TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm logistics của khu vực và châu Á.

PGS.TS.Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là cơ hội để cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết cảng. Các cảng trung chuyển quốc tế nổi tiếng trên thế giới đều hoạt động trong bối cảnh có nhiều cảng xung quanh nhưng các cảng này đã liên kết rất chặt chẽ trong việc chia sẻ hàng hóa để cùng phát triển, thay vì cạnh tranh.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô khoảng 571ha, cầu cảng chính dài hơn 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 TEU). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD. TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu khởi công vào dịp 30/5/2025, nếu được Chính phủ duyệt. Đây sẽ là cảng lớn nhất Việt Nam so với hệ thống cảng hiện hữu.

“Việc hình thành cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thu hút hoạt động trung chuyển về khu vực Cái Mép - Cần Giờ sẽ kéo theo các hãng tàu khác thiết lập hoạt động trung chuyển tại CM-TV. Do đó, thay vì làm sao cạnh tranh thì chúng ta nghĩ làm sao để liên kết”, PGS.TS.Hồ Thị Thanh Hòa nhận định.

Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành và TP.Hồ Chí Minh trong việc xác định phương án và lộ trình đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được xem xét, đánh giá kỹ, phải giải quyết tốt quan hệ giữa Cần Giờ với khu bến CM-TV và ảnh hưởng qua lại giữa các dự án đã đầu tư.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.