Từ đầu tháng 9, các làng trồng hoa trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuống giống hoa Tết. Lo ngại sức tiêu thụ hoa Tết chậm nên mùa hoa Tết năm nay, hầu hết các làng hoa giảm mạnh diện tích trồng.
Nông dân xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc các chậu cúc đại đóa chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025 sắp tới. |
Chú trọng trồng hoa trong chậu loại nhỏ
Đang tất bật ngắt đọt cho lứa hoa cúc đại đóa mới xuống giống được hơn 20 ngày, bà Nguyễn Thị Thìn (KP.Hải Dinh, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) chia sẻ, bà bắt đầu xuống giống hoa cúc đại đóa loại chậu lớn (60cm trở lên) từ đầu tháng 9.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình bà tiếp tục xuống giống các loại hoa phục vụ Tết như: cúc đại đóa, pha lê, hoa hồng… Tuy nhiên, năm nay, gia đình bà giảm số lượng chậu, nhất là loại chậu lớn trên 60cm. Nguyên nhân là do năm ngoái sức tiêu thụ hoa rất chậm, gia đình phải chở hoa đi Đồng Nai để bán mới có thể tiêu thụ hết được.
Cách đó không xa, ông Trần Đình Dũng, cũng đang tất bật trộn đất với trấu và phân hoai mục vào từng chậu để xuống giống cúc đại đóa loại chậu nhỏ. Ông Dũng cho hay, năm nay gia đình ông giảm đến 50% số chậu so với năm ngoái, lý do là vụ hoa Tết năm ngoái bán quá ế ẩm, không có người mua, nhiều nhà hoa ế bỏ đầy vườn.
“Biết là kinh tế khó khăn, nhưng đây là nghề lâu năm của gia đình gắn bó nên không thể bỏ được. Vụ hoa Tết năm nay, gia đình tôi giảm trồng hoa trong chậu lớn, chú trọng trồng chậu nhỏ với hy vọng sẽ dễ bán hơn năm ngoái”, ông Dũng nói.
Tại phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa), làng hoa lâu đời nhất tỉnh đến thời điểm hiện tại bà con nông dân đã xuống giống được khoảng 80%. Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp hoa Kim Dinh, vụ hoa Tết năm ngoái sức tiêu thụ chậm, nhiều nhà vườn phải chở đi xa mới bán hết được, thậm chí phải đập bỏ chậu. Vì vậy, vụ hoa Tết năm nay, bà con đã giảm mạnh diện tích trồng hoa.
Nếu như năm ngoái cả phường có hơn 22ha diện tích trồng, thì đến thời điểm này, chỉ có khoảng 12ha/40 hộ. Hiện nay, bà con chủ yếu trồng hoa cúc đại đóa và pha lê… Dự kiến cuối tháng 9 dương lịch, bà con làng hoa Kim Dinh sẽ xuống giống thêm nhiều loại hoa khác như: mào gà, cẩm chướng, ly, cẩm nhung, hồng, hướng dương, cúc nhật, dạ yến thảo, dừa cạn…
Còn tại làng hoa xã Láng Lớn (huyện Châu Đức), năm nay, nhiều bà con trồng hoa cũng giảm số lượng chậu, nhất là các loại chậu lớn. Hiện nay toàn xã có 10ha, trồng khoảng 100 ngàn chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán, chủ yếu trồng các loại hoa cúc đại đóa, pha lê và hoa hồng, giảm khoảng 15-20% so với vụ hoa Tết năm ngoái.
Nông dân xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chăm sóc các chậu cúc đại đóa chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025 sắp tới. |
Theo dõi sát thời tiết
Bà Phùng Thị Phương (thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho biết, năm nay, gia đình trồng khoảng 2.000 chậu cúc đại đóa và pha lê. Năm nay mưa nhiều, mặc dù thuận lợi cho người trồng hoa trong việc nước tưới nhưng cũng buộc người trồng phải chăm sóc kỹ để tránh tình trạng cây mới xuống giống bị thối rễ, đen lá và nguy cơ sâu bệnh.
Nhiều nông dân chia sẻ, trồng cúc bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ khi xuống giống đến lúc có hoa bán mất hơn 5 tháng. Để những chậu cúc đạt chất lượng, bông to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết, trong quá trình chăm sóc, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trồng hoa cúc ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng hoa cần phải theo dõi sát diễn biến thời tiết để có phương án, kế hoạch chăm sóc hoa hợp lý.
Nghề trồng hoa Tết khá vất vả, nên người trồng hoa Tết rất kỳ vọng vào đầu ra, giá bán ổn định để có thêm thu nhập những ngày cuối năm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU