Bảo đảm an toàn lưới điện mùa mưa bão
Xây dựng kế hoạch chi tiết, diễn tập ứng phó với các sự cố nghiêm trọng, chủ động khắc phục nguy cơ gây hư hỏng hệ thống điện là những giải pháp bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, nhất là khi mùa mưa bão được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Công nhân Điện lực Vũng Tàu cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão. |
Ứng phó nhanh khi có sự cố
Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu vừa tổ chức diễn tập ứng phó sự cố lưới điện do thiên tai. Đây là hoạt động định kỳ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; kỹ năng xử lý khẩn cấp sự cố lưới điện để giảm tối đa thiệt hại khi có thiên tai thực tế.
Theo tình huống giả định, một cơn bão mạnh cấp 9-10 (rủi ro thiên tai cấp 2) dự kiến đổ bộ vào Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngay từ khi nhận được cảnh báo, ngành điện lập tức kích hoạt kế hoạch ứng phó đã được xây dựng từ trước như: gia cố công trình, nhà xưởng; tuyên truyền, cảnh báo, vận động người dân nằm trong hành lang an toàn lưới điện chằng chéo mái tôn, cắt tỉa cây xanh; triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng trong mọi tình huống và đặc biệt bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Công ty Điện lực tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức diễn tập ứng phó với sự cố khi xảy ra sự cố lưới điện do mưa bão. Trong ảnh: Công nhân Công ty điện lực tỉnh, đoàn viên thanh niên tham gia diễn tập. |
Cơn bão mạnh quét qua đã làm hư hại hệ thống cây gãy đổ làm thiệt hại hệ thống (gãy trụ, đứt dây trung thế, hư biến áp 50kVA) khu vực thôn Xuân Trường, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức gây mất điện diện rộng. Nhận thấy việc khắc phục sự cố vượt quá khả năng, lãnh đạo Điện lực Châu Đức lập tức báo cáo cấp trên để nhờ chi viện.
Theo đúng kế hoạch đã được xây dựng từ trước, kỹ sư, công nhân của các đơn vị khác của Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu và các đoàn thể của địa phương được điều động để hỗ trợ cho Điện lực Châu Đức khắc phục sự cố. Cùng với nguồn vật tư, thiết bị được chuẩn bị sẵn, sự cố đã nhanh chóng được xử lý trong 1 buổi để cấp điện ổn định trở lại cho người dân.
Bên cạnh diễn tập tình huống, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lập phương án vận hành, xử lý sự cố cho các tuyến đường dây đang quản lý cấp điện cho các phụ tải quan trọng; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng như: máy biến áp, trụ điện, dây dẫn các loại…
Các nhà máy điện cũng đã xây dựng phương án sản xuất điện ổn định, an toàn, bảo đảm nguồn cung. Trong ảnh: Vận hành tại nhà máy của Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa. |
Cung cấp điện ổn định, an toàn
Cùng với việc xây dựng phương án, sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó nhanh khi có thiên tai dẫn đến sự cố về lưới điện, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cung cấp điện ổn định, an toàn cho khách hàng.
Ông Vũ Hồng Tráng, Giám đốc Điện lực Phú Mỹ cho biết, đơn vị có hơn 300 khách hàng lớn, tiêu thụ trên 1 tỷ kWh/năm nên việc cấp điện ổn định càng trở nên quan trọng. “Do đó, đơn vị đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như: nâng độ tĩnh không một số tuyến điện đi qua các KCN, khu vực đông dân cư; phát quang các hành lang tuyến điện, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của khách hàng”.
Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đang quản lý đường dây 110kV gồm 55 phát tuyến với tổng chiều dài gần 386km; 32 trạm biến áp 110kV/22kV. Cùng với đó là đường dây trung thế gồm 149 phát tuyến 22kV với tổng chiều dài gần 3.300km và đường dây hạ thế dài hơn 3.425km. |
Điện lực Phú Mỹ cũng thường xuyên thông tin, hướng dẫn, tuyên truyền các DN thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn điện trong sản xuất; thực hiện đúng quy định về kiểm nghiệm hệ thống điện định kỳ, giảm nguy cơ hư hỏng lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, ngay từ đầu năm, công ty và các đơn vị trực thuộc đã gia cố nền, móng trụ, tăng cường chằng néo cho các tuyến đường dây quan trọng và các khu vực có thể chịu ảnh hưởng nặng khi có bão, lũ. Bên cạnh đó, kiểm tra các vị trí trụ gần sông rạch có nguy cơ bị ngã, đổ do sạt lở hoặc ngay hướng nước chảy; kiểm tra và chỉnh lại các trụ bị nghiêng, khắc phục ngay các khoảng trụ có dây pha võng thấp không đảm bảo khoảng cách pha đất…
Ngoài hạn chế tối đa các yếu tố ngoại lực có thể làm hư hỏng lưới điện, một nhiệm vụ trọng tâm nữa là đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giúp lưới điện “vững vàng” hơn khi có bão, lũ. “Chúng tôi cũng kiểm tra định kỳ để kịp thời thay thế những vật tư, thiết bị không đạt yêu cầu vận hành trên lưới. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra và chặt tỉa các cây xanh; kiểm tra di dời ăng ten, biển hiệu… nhằm hạn chế tối đa trường hợp yếu tố ngoại lực làm hư hỏng đường dây”, ông Hải thông tin thêm.
Bài, ảnh: QUANG VINH