Ứng dụng công nghệ cao để trồng rau hữu cơ

Thứ Hai, 19/08/2024, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Anh Vũ Văn Chi (bên trái), ấp Bình Tiến, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân xã về mô hình rau khí canh của mình.
Anh Vũ Văn Chi (bên trái), ấp Bình Tiến, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân xã về mô hình rau khí canh của mình.

Mô hình rau khí canh

Nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả của mô hình trồng rau khí canh, anh Vũ Văn Chi, nông dân ấp Bình Tiến, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đã tìm tòi học hỏi, triển khai thực hiện. Sau gần nửa năm đi vào hoạt động, mô hình đã cho thu hoạch những lứa rau đầu tiên. Nhờ quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, an toàn nên đã nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng, hứa hẹn khi được triển khai áp dụng quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Những ngày giữa tháng 8/2024, tiết trời oi bức của vùng đất cát Bình Châu, dẫn chúng tôi đi thăm mô hình rau khí canh trong nhà màng, anh Chi say sưa giới thiệu, vườn rau có 240 trụ đứng, mỗi trụ 48 hốc trồng giá thể, tương ứng với 48 cây rau. Các trụ rau hoạt động theo công nghệ tuần hoàn, nước tích trữ trong bồn được bơm lên hệ thống tưới tiêu để cung cấp dưỡng chất cho rau thông qua hệ thống phun sương gắn trên các trụ đứng. Sau khi phun, lượng nước còn lại được bơm về bồn chứa để tái sử dụng, giúp tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất.

Các loại rau trồng ở đây như xà lách, cải cay, cải ụ, rau dền, mồng tơi… bước đầu sinh trưởng và phát triển tốt, rau ăn ngon, giòn và ngọt. Trồng rau theo mô hình này cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40-50% so các mô hình trồng rau khác. Cây rau không phải phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nào nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội viên nông dân nào có nhu cầu trồng, anh Chi sẽ hướng dẫn kỹ thuật, lắp đặt hệ thống khí canh quy mô nhỏ để sản xuất tại nhà.

“Trong sản xuất khí canh, mỗi lứa rau kéo dài từ 18 - 25 ngày; mỗi trụ cho năng suất 5kg sản phẩm nên sản lượng rau của vườn 200m2 này có thể đạt hơn 1 tấn rau/tháng. Nếu áp dụng xen canh các loại rau ngắn ngày và dài ngày thì có thể sản xuất 10 - 12 lứa/năm. Giá bán trung bình 30 ngàn đồng/kg rau xanh. Khi có thị trường tiêu thụ ổn định, tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác lên 1ha, trong đó tập trung trồng các loại rau củ quả”, anh Chi cho biết thêm.

Dịch chuyển từ lượng sang chất

Bên cạnh việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị luôn được các cấp Hội Nông dân chú trọng thực hiện.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về mô hình sản xuất nông sản sạch và hữu cơ cho cán bộ, hội viên nông dân. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi DN, HTX tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các dự án, chương trình, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Theo Hội Nông dân tỉnh, công nghệ nhà màng, nhà lưới, thủy canh, khí canh, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động đã và đang được các DN, HTX và nông dân áp dụng, nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho 815 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân.

Với diện tích 450m2, vườn rau thủy canh của anh Nguyễn Thành Huyện, ở khu 3, huyện Côn Đảo mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 50kg rau ăn lá các loại. Việc trồng rau màu trong nhà lưới theo hướng hữu cơ tại huyện đảo đã và đang phát triển, tạo hướng đi mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời giảm chi phí và những tác động xấu đến môi trường.

Anh Nguyễn Thành Huyện, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thủy sản Côn Đảo cho biết, từ khi chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ và sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thì giá trị sản phẩm rau xanh cũng được nâng lên đáng kể.

Cũng theo anh Huyện, sản xuất hữu cơ thứ nhất là giảm được sâu bệnh. Thứ hai là cây khỏe phát triển nhanh hơn, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - THANH HẢI

;
.