NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Sóng biển ngày càng ăn sâu vào đất liền, cuốn phăng đồi cát, vườn tược, nhà cửa của một số người dân.
Sóng biển đánh bật gốc cả rừng dương khu vực biển Lộc An (huyện Đất Đỏ), cuốn phăng cả những đụn cát. |
Đe dọa cuộc sống người dân
Mặt trời đã lên quá 2 con sào nhưng ông Trần Cừ (khu Trại Nhái, phường 12, TP.Vũng Tàu) vẫn ngồi lặng lẽ bên bậc thềm nhà đầy cát, nhìn thất thần vào những con sóng biển đục ngầu đang ngoạm vào bờ.
Gia đình ông Trần Cừ làm nghề biển tại khu Trại Nhái từ năm 1996. Theo ông Cừ, lúc đó biển cách bờ hơn 1km, người mua cá phải chạy xe trên bãi cát để ra tận nơi đón ghe vào. Còn bây giờ nhìn ra nơi ấy chỉ thấy sóng nước mênh mông. Là người đã gắn cả đời mình với vùng đất cửa sông cửa biển này, ông Cừ đã chứng kiến nhiều trận cuồng phong của biển nhưng chưa năm nào tình trạng biển xâm thực mạnh như những năm gần đây. Chỉ trong vòng vài năm, sóng biển đã cuốn đi hàng trăm m2 đất của người dân.
Theo lời bà Trần Thị Ca (phường 12, TP.Vũng Tàu), trước đây Trại Nhái có cả một rừng dương và những đồi cát dài, tạo thành một điểm du lịch, dã ngoại lý tưởng. Nhưng bây giờ rừng dương không còn nữa do bị biển xâm thực. Nhiều nhà dân cũng bị sóng cuốn trôi. Toàn bộ khu Trại Nhái giờ chỉ còn khoảng 20 hộ sinh sống nhưng không ai dám ở gần biển nữa.
Tại hội thảo “Dải ven bờ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu” diễn ra cuối tháng 6/2024 vừa qua, các nhà khoa học cũng đã công bố: 6 đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở và 3 vùng cửa sông có luồng dẫn bị bồi lấp nghiêm trọng do tác động của tự nhiên hay do các hoạt động của con người gây nên. Cụ thể, 6 đoạn bờ biển bị xói lở: Đoạn bờ biển Bến Lội - Bình Châu; Đoạn bờ biển Hồ Tràm; Đoạn bờ biển Hồ Cốc; Đoạn bờ biển xã Lộc An; Đoạn bờ biển xã Phước Tỉnh; Đoạn bờ biển khu vực Trại Nhái, TP. Vũng Tàu. Ba vùng cửa sông bị bồi lấp: Cửa Bến Lội Bình Châu; Cửa Lộc An; Cửa Lấp. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng xói lở tại các khu vực này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng mặt từ 2m/năm trước đây lên đến 30m/năm; trong đó, có điểm sạt lở tới hàng trăm mét. |
Còn trong ký ức của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết hơn 20 năm trước, Trại Nhái là một nơi ghe tàu và cư dân sầm uất. Nhưng nay biển đã đuổi hết người. “Nhà tôi dời không biết bao nhiều lần rồi. Đêm nằm nghe tiếng triều lên vỗ ì oạp ngay đầu giường. Mỗi sáng thức dậy, biển như chồm ngay vào trước mặt do không còn rừng dương bảo vệ”.
Trở lại cửa biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) giữa tháng 7 vừa qua, chỉ sau 2 năm vùng biển này đã khác hẳn. Bên thì bồi lấp, bên thì biển nuốt hẳn hàng chục mét, tấn công vào đất liền. Từ cửa biển đến ấp An Hòa (xã Lộc An), hơn 300m bãi biển xác xơ, những mảng tường bị sóng biển đánh tan nát, móng nhà kiên cố bằng bê tông cũng bị sóng biển làm đứt gãy, sụp đổ và những gốc phi lao trơ rễ… Ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Lộc An) chỉ tay về phía khu dân cư bên trong cửa biển rồi nói: “Sóng biển như loài gặm nhấm khổng lồ, mỗi ngày lấy đi một ít đến nay những đụn cát đã biến mất, rừng dương cũng đã bật gốc chết hết”.
Theo ông Huỳnh Đức Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An, hơn 10 năm trước, Lộc An có nhiều đồi cát cao hơn 10m, rộng hơn 50m. Phía nam Lộc An và cửa sông Ray còn có những bãi cát trải dài đến 400m và cao 5-7m. Nhưng hiện nay, nhiều đồi cát đã bị nước biển cuốn trôi. Nhiều khu vực, biển đã tiến vào sát mặt đường. Từ khu vực đê tả, đê hữu thuộc khu neo đậu tránh trú bão Lộc An đến giáo đường bờ biển Lộc An 1 (phía sau nhà hàng Phương Trang) với chiều dài dọc bờ biển khoảng 500m đang có nguy cơ bị nước biển xâm thực. Nếu không được khắc phục kịp thời, một thời gian ngắn sẽ bị sụp lún nhà cửa của dân, ảnh hưởng đến tài sản, cuộc sống và tính mạng.
Những đồi cát ở khu vực Trái Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu) bị sóng biển san gạt trở thành mặt bằng, người dân có thể chạy xe máy được. Khi triều lên sóng biển sẽ dâng tràn trên phần trước đây là đồi cát như thế này. |
Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế
Theo ông Trương Thành Công, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm du lịch lớn của cả nước, trong dải ven bờ từ TP.Vũng Tàu đến Xuyên Mộc, đã có khoảng 150 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài về du lịch. Trong đó có những dự án ở Hồ Tràm hơn 4 tỷ USD. Tuy nhiên, dải ven bờ hiện có nhiều khu vực bị xói lở nghiêm trọng (Bãi Thùy Vân-Trại Nhái; Cửa Lấp; cửa Lộc An; Hồ Tràm; Hồ Cốc; Bình Châu…) làm cho nhiều khu vực của dải ven bờ bị mất đất, tổng cộng có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ha trong những năm qua.
Cụ thể, nếu tính theo hiện trạng lúc triều cường so với mép bờ biển thể hiện trên bản đồ địa chính lập năm 1997, 1998 thì các khu vực như: Hồ Tràm, khu du lịch Sanctuary, khu du lịch Gió Biển, khu du lịch Minh Tuấn… mức độ biển xâm thực trung bình từ 20-40m. Đoạn từ khu du lịch Saigon Container đến Lộc An có chiều dài khoảng 1.200m trung bình bị xói lở từ 20-30m, có những điểm xói lở rất nặng khuyết sâu vào các khu du lịch như: Hồng Hà, Sông Ray.
Từ khu du lịch Sài Gòn Hồ Cốc đến cây số 06-07 (hướng về Bình Châu) chiều dài khoảng 2km, năm 2005 lúc bắt đầu làm đường ven biển, biển còn cách chân đường chỗ gần nhất là 50m, xa nhất là 100m, đến nay đoạn này biển đã vào sát chân đường. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc bị sạt lở nghiêm trọng, tình trạng sạt lở sâu vào đất liền đã là 200m.
Trước đây, khu vực bờ biển Lộc An được người dân địa phương xây dựng các công trình làm du lịch nhưng nay sóng biển đã đánh sập toàn bộ, kể cả những công trình bằng tường gạch kiên cố. |
Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng ấp Bình Hòa chỉ tay về phía biển và nói: “Mùa Bắc hàng năm từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau sóng biển cứ thế lấn vào đất liền 2-10m. Địa phương đã phải xây kè chắn sóng, chỉ còn lại 200m bãi biển cho người dân và du khách xuống biển nhưng sóng cũng đang đánh tung bờ, đe dọa các khu du lịch xung quanh đang xây dựng”.
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Biên, Viện Kỹ thuật Biển, đoạn bờ biển từ Lộc An đến Hồ Tràm, Hồ Cốc đã được quy hoạch thành các bãi tắm với hàng loạt những khu du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng nối tiếp nhau. Nhưng khu vực này, bờ biển bị xói lở rất mạnh vào mùa gió Đông Bắc. Về phía Nam mũi Hồ Tràm, quá trình xói lở và bồi lấp diễn ra dọc vạch bờ với chiều dài khoảng 1.000m. Từ mũi Hồ Tràm về phía cửa Lộc An, bãi biển dần bị thu hẹp ước tính khoảng 100m trong vòng 5 năm từ 2017 đến 2022, với tốc độ xói lở khoảng 20 m/năm nên nhiều công trình kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng bị phá hoại nặng nề gây nhiều thiệt hại về tài sản, đất đai.
Hiện có ít nhất 7 KDL, bãi tắm đã đi vào hoạt động chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở bờ biển.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ